Đánh giá giữa kỳ Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 với 2 vùng phía Bắc

(BĐT) - Hội nghị Đánh giá giữa kỳ Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 và xây dựng Kế hoạch năm 2019 vùng miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) vừa diễn ra ngày 23/8/2018 tại TP. Thái Nguyên.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Nguyệt Minh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Nguyệt Minh

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tổng rà soát đánh giá giữa kỳ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Từ năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết định thay đổi phương pháp lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công năm sau theo cách thực hiện các hội nghị chuyên đề theo vùng, thay vì với từng địa phương như trước đây. Từ đó, các địa phương trong vùng có thể chia sẻ khó khăn vướng mắc và cả mô hình làm tốt của các địa phương xung quanh, học hỏi kinh nghiệm của tỉnh khác để có thêm thông tin đầu vào giá trị trong xây dựng kế hoạch của tỉnh mình.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua nửa chặng đường của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, vùng ĐBSH đã đạt được nhiều kết quả tích cực, một số tỉnh, thành phố thực hiện đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội do hội đồng nhân dân tỉnh đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020 như tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu, thu nội địa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. ĐBSH là vùng xếp thứ 2 cả nước về thu hút FDI, tiêu biểu là TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh. Năm 2017, vùng có địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số PCI là tỉnh Quảng Ninh. Vùng đã hình thành một số sản phẩm chủ lực có tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng nền kinh tế như đóng tàu, công nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô,... Số tỉnh trong vùng có tỷ lệ điều tiết về Trung ương đến năm 2020 mục tiêu là 100%, thực hiện giai đoạn này được 7/11 tỉnh. Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân hàng năm là chỉ tiêu đã thực hiện vượt, với mục tiêu đến năm 2020 là 2% thì thực hiện giai đoạn này  2,3 - 2,4%. 

Tuy nhiên, vùng ĐBSH qua nửa kỳ kế hoạch 5 năm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do tác động của một số chính sách lớn thực hiện theo lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết có hiệu lực từ năm 2018, chậm phát triển thị trường xuất khẩu. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn hạn chế; xây dựng các khu nhà ở, dịch vụ hỗ trợ cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu hiện tại; hạ tầng kinh tế - xã hội đang bộc lộ bất cập, nhất là sự quá tải của hệ thống hạ tầng giao thông đối với các đô thị lớn trong vùng. Đặc biệt, công tác quản lý tài nguyên và môi trường, nhất là quản lý sử dụng đất đai ở một số địa phương chưa tốt, không bảo đảm theo quy hoạch. Các chỉ tiêu về chất thải rắn ở đô thị được xử lý, chất thải y tế được xử lý, KCN, KCX đang hoạt động có khu xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường thực hiện 2016 -2018 đều chưa đạt.

Với vùng miền núi phía Bắc, một số tỉnh thuộc vùng đã đạt được bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước như Thái Nguyên, Lào Cai, Lạng Sơn. Đã có bước tiến đáng kể trong thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào phát triển công nghiệp, du lịch như Thái Nguyên; đảm bảo an sinh xã hội,...

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyệt Minh

Dù đạt được nhiều kết quả, nhưng qua nửa kỳ kế hoạch 5 năm, nhiều địa phương trong vùng miền núi phía Bắc vẫn còn chậm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp, dịch vụ. Môi trường đầu tư một số địa phương chưa thuận lợi để hấp dẫn đầu tư trong nước và nước ngoài. Quy mô kinh tế còn nhỏ bé, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn bình quân cả nước.

Tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương của 2 vùng đánh giá cao việc tổ chức hội nghị đánh giá giữa kỳ để nhận diện lại những kết quả đạt được, những mặt chưa được của nửa kỳ kế hoạch, từ đó kịp thời có hướng điều chỉnh hoặc giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong hơn hai năm còn lại.

Sau hội nghị này, ngày 27/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức Hội nghị Đánh giá giữa kỳ Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 và xây dựng Kế hoạch năm 2019 đối với cùng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngày 31/8 sẽ diễn ra hội nghị đối với 2 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Chuyên đề