Đắk Lắk: 1 dự án BT được chọn triển khai điểm

(BĐT) - Dự án Đầu tư xây dựng đường Giải Phóng, đoạn từ Nguyễn Chí Thanh đến vùng bùng binh Km 5, Quốc lộ 26, TP. Buôn Ma Thuột (gọi tắt là Dự án Đường Giải Phóng) là dự án duy nhất được UBND tỉnh Đắk Lắk lựa chọn tiếp tục thực hiện theo hợp đồng BT ở thời điểm này.
Năm 2016 và 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Danh mục 58 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có 12 dự án BT. Ảnh: Lê Thanh Tùng
Năm 2016 và 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Danh mục 58 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có 12 dự án BT. Ảnh: Lê Thanh Tùng

Dự án này có tổng mức đầu tư 371 tỷ đồng, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển là Công ty TNHH Bình Minh - một doanh nghiệp có trụ sở tại Đắk Lắk. Theo Đề xuất dự án, tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3, chiều dài tuyến 2,177 km. Thực hiện hơn 2 km đường này, nhà đầu tư sẽ được thanh toán bằng quỹ đất dọc hai bên tuyến đường, với tổng diện tích đất dự kiến phê duyệt tại Đề xuất dự án là 202.301 m2. Dự án hiện đang được các đơn vị liên quan thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, năm 2016 và 2017, UBND Tỉnh đã ban hành Danh mục 58 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn Tỉnh, với tổng vốn đầu tư dự kiến 21.891 tỷ đồng, trong đó có 12 dự án thực hiện theo hợp đồng BT chủ yếu thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông. Đến thời điểm hiện tại, UBND Tỉnh đã phê duyệt đề xuất đối với 5 dự án BT, trong đó 4 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông và 1 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao.

UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, do Chính phủ chưa ban hành Nghị định quy định về trình tự, thủ tục thanh toán hợp đồng BT bằng giá trị quyền sử dụng đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các Thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định 63/2018/NĐ-CP, nên để đảm bảo việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP nói chung và dự án theo hợp đồng BT nói riêng đúng theo quy định, tránh sai sót, gây thất thoát tài sản nhà nước, UBND Tỉnh đã thống nhất tiếp tục triển khai điểm Dự án Đường Giải Phóng, các dự án PPP khác chỉ được thực hiện sau khi Chính phủ và các bộ, ngành ban hành văn bản quy định chi tiết.

Nêu quan điểm về hình thức BT, tỉnh này cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc duy trì hợp đồng BT là cần thiết nhằm tạo cơ chế đảm bảo đầu tư đồng bộ các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn. Tuy nhiên, chỉ áp dụng loại hợp đồng BT đối với các dự án có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát huy hiệu quả đồng bộ; các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm địa phương, có tính chất kết nối.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị cần xây dựng Luật về đầu tư theo hình thức PPP nhằm nâng cao cơ sở pháp lý, xử lý các nội dung chồng chéo giữa các luật, đặc biệt là pháp luật về đầu tư công, đất đai, quản lý tài sản công, và bổ sung quy định còn thiếu. Từ đó, tạo dựng môi trường đầu tư theo hình thức PPP với khung pháp lý cao nhất.

Chuyên đề