Đại biểu Hoàng Văn Cường: Quyền tự chủ cao sẽ là sức hấp dẫn từ các đặc khu

(BĐT) - Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, khi đưa ra được một thể chế, cơ chế tốt và đặc biệt là quyền tự chủ cao thì mới là yếu tố để hấp dẫn được các doanh nghiệp lớn, những tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư vào những khu vực này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu bên lề hành lang Quốc hội. Ảnh: Trần Tuyết
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu bên lề hành lang Quốc hội. Ảnh: Trần Tuyết

Theo đại biểu Cường, chúng ta đang có chủ trương để hình thành và phát triển 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là bước đột phá trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nguồn lực trong nước.

Tuy nhiên, những đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt mà chúng ta định hướng xây dựng phải tạo ra không chỉ những ưu đãi về chính sách kinh tế mà còn phải có những quyền quyết đoán về những vấn đề thủ tục hành chính.

Chỉ khi tính tự quyết cao như thế thì mới đủ sức để thu hút những DN, nhà đầu tư, tập đoàn lớn vào đầu tư tại những đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Họ không chỉ được hưởng về những chính sách về thuế, kinh tế mà còn được hưởng những ưu đãi trong các quan hệ phát triển giao dịch giữa các tập đoàn ở các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, các đặc khu trên thế giới. “Nếu chúng ta đưa được ra một thể chế, cơ chế tốt, quyền tự chủ cao hơn cho các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thì đó sẽ là yếu tố hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào” – đại biểu Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới mở, Việt Nam không nên có 1 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt chỉ hoạt động khép kín trong địa bàn đó. Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt này phải nằm trong một chuỗi phân công lao động quốc tế.

Do đó, chúng ta mở ra các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt không hoàn toàn để cạnh tranh với các khu khác trên thế giới. Sự cạnh tranh ở đây phải được hiểu là tạo ra được sức hút nhiều hơn và tạo ra khả năng liên kết với các khu vực khác nhiều hơn.

Ngoài ra, mỗi đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt phải có định hướng phát triển khác nhau, từ đó xây dựng những chính sách, ưu đãi phát triển khác nhau giữa các khu vực này. Ví dụ, Bắc Vân Phong được xây dựng với thế mạnh là phát triển hệ thống hạ tầng logistics thì hướng phát triển là phải có sự kết nối về logistics trong nước và thế giới; với Phú Quốc khi định hướng phát triển về thương mại, dịch vụ du lịch thì những chính sách, ưu đãi cũng phải khác. Do đó, không nên có những chính sách giống nhau hoàn toàn giữa 3 đặc khu này.

Chuyên đề