Đặc khu, không đi sẽ không thể đến

(BĐT) - Nếu chúng ta cứ lo ngại quá nhiều thứ mà không dám bắt đầu, không dám đi thì sẽ không bao giờ đến được đích. Những rủi ro cần được nhận diện, lường trước để có cơ chế, chính sách kiểm soát tốt, nhưng nếu thấy lợi ích vượt trội, thì cần phải đi, phải chạy thật nhanh để nắm bắt cơ hội.
Đặc khu với cơ chế thực sự hấp dẫn sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Nhã Chi
Đặc khu với cơ chế thực sự hấp dẫn sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Nhã Chi

Đại diện cho nhiều doanh nghiệp bất động sản, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐTV CEO Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ về mong muốn và kiến nghị mạnh mẽ của doanh nghiệp bất động sản vào việc ban hành sớm Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. 

Cần cơ chế mở, tự do

Theo ông Đoàn Văn Bình, trong bối cảnh hiện nay, cần sớm thông qua Luật vì thực tế chúng ta đã rất chậm so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Cần thiết phải thử nghiệm nhanh, nếu có mô hình thành công thì sẽ nhân rộng để phát triển kinh tế của cả nước. Mô hình đặc khu dường như là lựa chọn đúng đắn tại thời điểm này, Hiến pháp cũng có quy định để mở đường cho đặc khu ra đời.

“Luật được ban hành càng sớm càng tốt và càng sớm càng đem lại nhiều lợi ích hơn cho phát triển kinh tế”, đại điện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kỳ vọng. Việc có khung pháp lý nhanh nhất cho đặc khu, để đặc khu chạy được với cơ chế thực sự hấp dẫn sẽ thu hút được các nhà đầu tư chiến lược của nước ngoài, kích hoạt được dòng tiền đầu tư của thế giới vào Việt Nam và qua đó có tác động lan tỏa với phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đi sau, việc ban hành luật này cần đạt mục tiêu là cạnh tranh được với những đặc khu thành công trong khu vực và thế giới. “Chắc chắn với cơ chế đột phá, sẽ thu hút được một dòng tiền đầu tư rất lớn, qua đó doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn, thông qua hoạt động đầu tư sẽ nộp ngân sách nhiều hơn, tạo công ăn việc làm nhiều hơn”, ông Bình khẳng định.

Cạnh tranh đa quốc gia sẽ giảm thiểu rủi ro

Dự Luật đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội trong phiên thảo luận tổ ngày 10/11. Đa số đại biểu Quốc hội thống nhất về tính cần thiết phải ban hành Luật, tuy nhiên còn một số lo ngại về những rủi ro khó kiểm soát khi cơ chế quá mở, lo ngại lợi ích nhóm và nhất là rủi ro về an ninh, quốc phòng. Có ý kiến lo ngại Luật ban hành sớm liệu có chặt chẽ không, có đầy đủ không, có lường trước hết được rủi ro không, hay sau khi ban hành xong lại phải sửa đổi, bổ sung?

Theo ông Đoàn Văn Bình, những lo ngại về rủi ro của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà quản lý đều rất xác đáng, nhưng nếu chúng ta không đi thì sẽ không đến được. Trong quá trình đi nếu có vướng mắc, khó khăn thì cùng bàn để tháo gỡ, việc sửa đổi, bổ sung cũng là bình thường vì thực tế cuộc sống luôn đi trước. Thực tế của các nước có đặc khu thành công thì sau khi ban hành Luật lần đầu vẫn liên tục phải cập nhật, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình phát triển của đất nước họ.

Đặc biệt, ông Bình cho rằng, khi thể chế hấp dẫn, sẽ không chỉ thu hút được nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều quốc gia, thậm chí là các cường quốc. Và môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh gay gắt hơn sẽ tự thân giúp thị trường lành mạnh, phát triển. Đồng thời, việc có nhiều doanh nghiệp của các cường quốc tham gia đầu tư tại đặc khu cũng là một trong những bảo đảm cho vấn đề an ninh, quốc phòng.

Chuyên đề