Cục Hàng không tái đề xuất đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ

Cục Hàng không vừa tái đề xuất Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Các sân bay trong nước thiếu hệ thống phát hiện vật thể lạ.Ảnh:Xuân Hoa
Các sân bay trong nước thiếu hệ thống phát hiện vật thể lạ.Ảnh:Xuân Hoa

Tuần qua, Cục Hàng không Việt Nam tái đề xuất Bộ Giao thông Vận tải đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường hạ, cất cánh tại cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Hệ thống sẽ phát hiện vật thể lạ với tọa độ chính xác, không can nhiễu với các hệ thống kỹ thuật của khu bay, giúp loại bỏ sự cố trên đường cất, hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập.

Theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, tổng mức đầu tư hệ thống tại Nội Bài hơn 486 tỷ đồng và Tân Sơn Nhất gần 510 tỷ đồng. Đây là hệ thống thiết bị công nghệ mới, lần đầu áp dụng ở Việt Nam.

Người đứng đầu Cục Hàng không khẳng định, hiện tại ngân sách nhà nước còn khó khăn nên Cục đề xuất hai phương án là Tổng công ty cảng hàng không (ACV) đầu tư, hoặc huy động doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP. Bộ Giao thông Vận tải giao ACV làm chủ đầu tư dự án, quản lý, khai thác, bảo trì công trình sau khi hoàn thành. Phương án này có ưu điểm như chủ động về nguồn vốn, thời gian triển khai nhanh, đáp ứng được nhu cầu cấp bách, đồng thời đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất trong việc xây dựng, quản lý khai thác khu bay. 

Phương án thứ ba được Cục Hàng không đề xuất là Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng dự án với nhà đầu tư. Theo đó, sau khi hoàn tất việc lắp đặt hệ thống, nhà đầu tư sẽ chuyển giao cho sân bay quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống. “Ưu điểm của phương án này là đang có một số nhà đầu tư quan tâm, có nguồn vốn, sẵn sàng tham gia, song hạn chế là phát sinh thêm nhiều thủ tục đầu tư phức tạp”, ông Thanh cho biết.

Trong 3 phương án đầu tư, Cục Hàng không đã kiến nghị ưu tiên phương án giao ACV làm chủ đầu tư dự án. Trường hợp ACV khó thu xếp vốn thì doanh nghiệp có thể kêu gọi đầu tư và thu xếp hoàn trả dần cho nhà đầu tư. 

Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng cho biết, hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng là thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn trong khu bay, do đó về nguyên tắc nhà nước sẽ phải bỏ tiền. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách khó khăn hiện nay, dự án lại cấp bách, doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận, xây dựng phương án, báo cáo Bộ phê duyệt. 

Trước đó giữa năm 2016, Cục Hàng không từng đề xuất dự án đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài trị giá 1.160 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số chuyên gia hàng không cho rằng, hệ thống cảnh báo này đặt tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất là chưa hợp lý vì khu vực này ít chim cư trú. Phần lớn máy bay va phải chim trời tại các khu vực rừng núi như sân bay Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Cà Mau...

Ngoài ra, mức đầu tư thiết bị đuổi chim hơn 1.100 tỷ đồng là rất lớn so với các thiết bị khác trong ngành. Dự án chưa phải là cấp thiết đầu tư vì sân bay Tân Sơn Nhất còn nhiều hạng mục khác cần giải quyết hơn như chống ngập, quá tải khu bay và sân đỗ...

Theo Cục Hàng không, 2 năm qua, tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất có 156 vụ việc uy hiếp an toàn hàng không liên quan đến các vật thể lạ trên đường băng. Riêng năm 2016, có khoảng 20 vụ sự cố liên quan tới việc tàu bay bị cắt lốp hay chim va vào máy bay tại hai cảng hàng không này. 

Trong khi đó, việc giám sát, kiểm tra hệ thống đường băng chủ yếu bằng mắt thường, mất nhiều thời gian. Mỗi lần lực lượng kiểm tra đường băng đều phải dừng hoạt động bay, gây khó khăn và gián đoạn hoạt động bay ở các sân bay có tần suất hoạt động cao như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng. 

Chuyên đề