Cụ thể hóa Chương trình Nghị sự 2030

(BĐT) - Chia sẻ tại Hội thảo tham vấn Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thế Phương cho biết, Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 thông qua các Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Cụ thể hóa Chương trình Nghị sự 2030

Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia đề xuất một danh sách các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cùng với quan điểm, giải pháp, tổ chức thực hiện và các hành động cụ thể của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu vào năm 2030. Kế hoạch được xây dựng dựa trên một quá trình rà soát các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển hiện hành chủ yếu của Việt Nam, có so sánh với 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và 169 mục tiêu cụ thể.

Quá trình này được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 9/2016 với sự tham gia đóng góp của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong nước, các tổ chức của Liên hợp quốc, các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế khác. “Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là việc của tất cả mọi người. Chúng ta hãy cùng tham gia và đóng góp có trách nhiệm để đảm bảo xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia khả thi, có sự tham gia của tất cả các bên liên quan và tất cả mọi người”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, bà Louise Chamberlain, quyền Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã có một kế hoạch hành động đạt chất lượng và có tính thực tiễn cao. Quá trình xây dựng đã có sự tham gia của các bên liên quan, có sự kết nối giữa các khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự, các lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, bà Louise Chamberlain cũng lưu ý 3 vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm trong thời gian tới. Thứ nhất là ưu tiên nhóm người nghèo, đặc biệt là người cận nghèo, ở vùng đồng bào xa xôi hẻo lánh tiếp cận tốt hơn với các cơ hội tăng thu nhập và các dịch vụ xã hội khác. Thứ hai là vai trò của Chính phủ cần có sự thay đổi, không chỉ cung cấp các dịch vụ, mà cần huy động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm khác nhau như khu vực tư nhân, tổ chức xã hội dân sự, người dân, doanh nghiệp... có thể đóng góp vào việc thực hiện như vốn, ý tưởng... Thứ ba là xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, đánh giá việc thực hiện hàng năm với sự phản ánh khách quan từ người dân.

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ kỳ vọng Kế hoạch hành động quốc gia sẽ sớm được ban hành, tạo ra khung khổ định hướng các mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam đến năm 2030, thiết lập cơ chế phối hợp của các bên liên quan trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Kế hoạch hành động này sẽ là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững.              

Chuyên đề