Cộng đồng tài trợ đánh giá cao cam kết của Chính phủ

(BĐT) - Cộng đồng tài trợ đánh giá cao cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng “Chính phủ kiến tạo” với một kế hoạch hành động mạnh mẽ, cụ thể. Đồng thời, tin tưởng Việt Nam có thể đạt được tham vọng của mình trong các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 và các đối tác phát triển sẵn sàng hỗ trợ, sát cánh với Việt Nam trên chặng đường này.
Thông tin tới các đối tác phát triển tại VDF 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động Ảnh: Lê Tiên.
Thông tin tới các đối tác phát triển tại VDF 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động Ảnh: Lê Tiên.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định tại Diễn đàn Đối tác phát triển 2016 (VDF 2016) diễn ra sáng nay (9/12).

Chính phủ sẽ hành động mạnh mẽ, thực chất

Thông tin tới các đối tác phát triển tại VDF 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong một năm khó khăn vừa qua, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp…

Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, phải quyết tâm, tập trung khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, với mức tăng GDP bình quân đạt 6,5 – 7% giai đoạn 2016 – 2020.

Với nhận thức này, Chính phủ đã có những định hướng giải pháp cụ thể, rõ ràng để điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường; Kiểm soát việc sử dụng vốn vay, tiếp tục cơ cấu lại nợ công; Ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội; Chủ động hội nhập quốc tế và nỗ lực để triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Thủ tướng mong muốn Ngân hàng Thế giới hỗ trợ kinh nghiệm và nguồn lực hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp và cải thiện đầu tư kinh doanh tốt hơn.

Giải pháp cho vấn đề xử lý nợ xấu, Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Thế giới, cụ thể là Tổ chức Tài chính quốc tế IFC giúp đỡ Việt Nam giải quyết vấn đề nợ xấu một cách thực chất. “Tôi xin tiết lộ với quý vị là ADB cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam cũng đang có kế hoạch xử lý mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém”, Thủ tướng cho biết.

Từ vị trí đồng chủ tọa Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định mạnh mẽ: Trong nhiệm kỳ 2016 – 2020, Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo và hành động với mục tiêu biến các giải pháp thành hiện thức, đưa các mục tiêu kế hoạch thành những kết quả cụ thể trên thực tiễn. Cam kết này của Chính phủ được cộng đồng tài trợ đánh giá cao.

Khuyến nghị tiếp tục phát triển khu vực tư nhân

Nhìn lại năm 2016, các đối tác phát triển đánh giá cao những thành quả kinh tế xã hội Việt Nam đã đạt được, xem Việt Nam là một điển hình thành công về phát triển thế giới, đặc biệt trong 20 năm vừa qua. WB điểm lại, năm 2016 lạm phát ở mức 1 con số, tỷ giá ổn định, vị thế quốc tế của Việt Nam tăng cao và mức tăng trưởng 6% là một trong những mức tăng trưởng cao nhất khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam chỉ ra còn nhiều thách thức, khi các động lực tăng trưởng nhìn chung đã bị hạn chế, trong đó quan trọng nhất là tốc độ tăng năng suất lao động chung của Việt Nam có xu hướng giảm trong 20 năm qua, năng suất lao động của các doanh nghiệp trong nước thấp hơn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất nhiều khi đo bằng sản lượng của mỗi công nhân, và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng trưởng thực nhanh gần gấp hai lần so với các doanh nghiệp trong nước.

Để chặn đứng sự suy thoái tăng trưởng, đại diện WB khuyến nghị Việt Nam  phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tư nhân, cải cách để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, có cách tiếp cận mang tính thị trường trong phân bổ các nguồn lực, đất đai. Nguồn vốn ODA cần sử dụng mang tính chiến lược, hiệu hơn hơn, sử dụng làm đòn bẩy thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân.

Đại diện Thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế, ông Jonathan Dunn, nhấn mạnh đến các nhân tố có thể tác động tới triển vọng tăng trưởng và gợi ý cải cách vĩ mô để tăng trưởng cần tập trung vào các vấn đề như hiện đại hóa khung điều hành chính sách tiền tệ, với một chế độ tỷ giá linh hoạt hơn cùng với các công cụ dự phòng rủi ro đi kèm. Bên cạnh đó, giải quyết nhanh nợ xấu sẽ giúp hệ thống tín dụng có khả năng hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp tư nhân có khả năng cạnh tranh; cần có chính sách để hạn chế rủi ro tài chính và cải thiện các trung gian tài chính để các nguồn lực tới được những doanh nghiệp tư nhân có tính cạnh tranh cao.

Chuyên đề