Cơn sốt dự án BT có quay trở lại?

(BĐT) - Hàng loạt dự án từ xây dựng cầu, đường, khu tái định cư, đến trường học, trụ sở UBND, công viên... đang được nhiều địa phương đề xuất thực hiện theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Là một dạng hợp đồng của hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), nếu được thực hiện đúng, các dự án BT sẽ góp phần thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. 
Hiện nay việc xây dựng các trung tâm hành chính tập trung ở địa phương là cần thiết nhưng chưa cấp bách. Ảnh: Lê Tiên
Hiện nay việc xây dựng các trung tâm hành chính tập trung ở địa phương là cần thiết nhưng chưa cấp bách. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, nhiều bài học từ cơn sốt BT của vài năm trước đang dấy lên mối quan ngại rằng, liệu trào lưu BT khi quay lại có bị biến tướng, bị lợi dụng cho lợi ích nhóm?

Nhiều dự án trăm, nghìn tỷ do nhà đầu tư đề xuất

Thống kê chưa đầy đủ từ 1/1/2016 đến 2/6/2016, trong số các dự án PPP đã công bố danh mục dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có khoảng 20 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, 18 dự án theo hợp đồng BOT, 2 dự án theo hợp đồng BLT. Hợp đồng BT dường như đang được “yêu thích” trong số các loại hợp đồng thuộc mô hình đầu tư PPP. Những dự án BT này được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực và đa số là do nhà đầu tư đề xuất dự án.

Có thể kể đến đề xuất Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, Gò Vấp, TP.HCM của Công ty CP Hà Nội Ngàn Năm có tổng mức đầu tư (TMĐT) lên tới hơn 5.100 tỷ đồng. Nhà đầu tư đề xuất cải tạo toàn bộ rạch Xuyên Tâm. Đổi lại, Công ty CP Hà Nội Ngàn Năm được đầu tư xây dựng khu đô thị thông minh, hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh từ quỹ đất dọc hai bên tuyến.

Tại Thanh Hóa, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng miền Trung đề xuất Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu Nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ với TMĐT 90,996 tỷ đồng. Dự án đối ứng là Khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Nam TP. Thanh Hóa, rộng 70,8 ha.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 có trụ sở tại Hà Nội lại nhắm đến Dự án Đầu tư xây dựng đường dẫn nối cầu Hàn với Quốc lộ 37 (đoạn nối đường 5B với Quốc lộ 37, từ Km4+485,68 - Km10+760,83) tại Hải Dương. Công ty này đề xuất TMĐT 188 tỷ đồng để xây dựng 6,2 km đường. Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác giá trị quyền sử dụng quỹ đất hai bên đường dẫn phía Bắc cầu Hàn có diện tích khoảng 85,5 ha.

Tại Bắc Ninh, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Cao Đức đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, kết cấu hạ tầng giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước trên địa bàn 2 xã Hương Mạc và Tam Sơn, thị xã Từ Sơn. Với TMĐT đề xuất là 701 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ được khai thác giá trị quyền sử dụng đất các khu đất trên địa bàn 2 xã Hương Mạc và Tam Sơn, thị xã Từ Sơn.

Trước đó, trong năm 2015, hàng loạt dự án nghìn tỷ xây dựng trung tâm hành chính tập trung được nhiều địa phương đề xuất. Khi đó, ngân sách nhà nước không thể đáp ứng “mong muốn” đầu tư những trung tâm hành chính với số vốn khủng này nên nhiều địa phương chuyển hướng sang hình thức BT. Có thể kể đến Khánh Hòa đề xuất Khu trung tâm hành chính hơn 2.700 tỷ đồng, Nghệ An đề xuất gần 2.200 tỷ đồng, Hải Dương trên 2.000 tỷ đồng...

Cơn sốt cũ, hệ lụy không thể quên

Chỉ với vài dự án, con số khai khống đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đủ cho thấy sự thất thoát có thể là cực lớn nếu kiểm đếm hết các dự án BT đã thực hiện trong cơn sốt của những năm trước. Một chủ trương không sai, đã bị bóp méo trong thực hiện cho những lợi ích nhóm. Và nếu cơn sốt BT quay trở lại, liệu câu chuyện này có lặp lại?     
Cách đây chừng 4,5 năm, phong trào đầu tư dự án BT đã rộ lên trên cả nước, nhiều nhất là tại Hà Nội và TP.HCM. Khi đó, Hà Nội có trên dưới 100 dự án BT với TMĐT lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. TP.HCM cũng có khoảng 40, 50 dự án BT với TMĐT rất lớn. Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phất lên nhờ cơn sốt này, trở thành các đại gia bất động sản. Cũng rất nhiều nhà đầu tư đã “vớ bẫm” từ việc khai khống TMĐT hàng trăm tỷ đồng để được đổi lấy những khu “đất vàng”, “đất bạc” tại Hà Nội, TP.HCM, 2 điểm nóng về bất động sản. 

Một kết luận thanh tra của Bộ KH&ĐT khoảng năm 2012 đối với một số dự án BT tại Hà Nội được báo chí trích dẫn khi ấy đã “bóc mẽ” những chiêu thức đẩy giá dự án BT của các nhà đầu tư, dẫn đến sai lệch hàng ngàn tỷ đồng giữa TMĐT trong hợp đồng đã ký kết với chi phí thực tế được tính toán theo quy định.

Nhiều người hẳn còn nhớ Dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ qua sông Nhuệ đến Khu đô thị mới Xuân Phương do Công ty CP TASCO là nhà đầu tư có TMĐT trên 1.500 tỷ đồng nhưng trong đó bị tính thừa tới gần 438 tỷ đồng, tức là gần 1/3 TMĐT. Với TMĐT này, nhà đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất hơn 213 nghìn m2 để thực hiện dự án hoàn vốn tại Khu đô thị mới Xuân Phương. TMĐT Dự án tăng hơn 438 tỷ đồng xuất phát từ sự “nhầm lẫn” trong tính toán, áp dụng chưa đúng định mức, đơn giá, tỷ lệ chi phí của nhiều hạng mục; tính toán, bóc tách thiếu chính xác và thừa nhiều khối lượng; đưa thêm nhiều hạng mục theo tỷ lệ bất hợp lý. Đơn cử như đơn giá vật tư gối đầu và khe co dãn cao hơn từ 15 đến 20 lần so với giá phổ biến trên thị trường.

Ở Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, TMĐT còn được đội lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án này do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CIENCO 5 là nhà đầu tư BT. TMĐT của Dự án là hơn 6.000 tỷ đồng và nhà đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất gần 580 ha để thực hiện xây dựng Khu đô thị mới Thanh Hà A, Thanh Hà B và Mỹ Hưng. Để thổi thêm hơn 1.000 tỷ đồng vào dự án này, nhà đầu tư đã khai khống rất nhiều hạng mục, đơn giá.

Tập đoàn GAMUDA BERHSD (Malaysia) cũng đã tính thừa nhiều hạng mục của Dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở, làm tăng TMĐT thêm hơn 67 triệu USD. Với TMĐT do nhà đầu tư lập là 322.025.770 USD, tập đoàn này được thực hiện 2 khu đô thị mới rộng gần 150 ha tại quận Hoàng Mai trong thời hạn 50 năm để hoàn vốn. Để thổi thêm 67 triệu USD vào dự án này, nhà đầu tư dùng bài tính trùng lặp đơn giá tổng hợp nhiều hạng mục, tính chưa chính xác lãi suất, chưa chính xác giá trị trượt giá, thậm chí hạng mục “nạo vét lòng hồ” không có trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư nhưng vẫn được đưa vào tính toán chi phí cho dự án…

Chỉ với vài dự án, con số khai khống đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đủ cho thấy sự thất thoát có thể là cực lớn nếu kiểm đếm hết các dự án BT đã thực hiện trong cơn sốt của những năm trước. Một chủ trương không sai, đã bị bóp méo trong thực hiện cho những lợi ích nhóm. Và nếu cơn sốt BT quay trở lại, liệu câu chuyện này có lặp lại?                

Chuyên đề