Còn nhiều “chông gai” kìm hãm phát triển

(BĐT) - Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển và doanh nghiệp được xác định là một động lực mới cho tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “chông gai” kìm hãm, thậm chí có thể khiến Việt Nam tụt hậu. Việt Nam cần những cải cách mạnh mẽ và đúng hướng để biến tiềm năng phát triển thành hiện thực.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Doanh nghiệp - động lực tăng trưởng mới

Theo TS. Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, 2015 là một năm đầy thách thức nhưng kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Năng lực sản xuất của nhiều ngành kinh tế như chế biến, chế tạo; xây dựng; thương mại; ngân hàng… còn dư địa để tăng trưởng cao hơn trong năm 2016. Kết quả của những chính sách tốt như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư chuẩn bị có hiệu lực đã và đang tạo ra làn sóng thành lập doanh nghiệp mới với số lượng lớn chưa từng có - đây sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng của thời kỳ tới.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam. Theo ANZ, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển vượt trội ở khu vực châu Á trong giai đoạn 2016 - 2017. Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers LLP thì nhận định, từ nay đến năm 2050, Việt Nam có thể trở thành một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng lớn nhất thế giới.

Báo cáo “Việt Nam năm 2035” của Ngân hàng Thế giới dự báo, Việt Nam có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng đến mức thu nhập bình quân của thế giới vào giữa thế kỷ XXI trong điều kiện thuận lợi nhất.

Chìa khóa là cải thiện môi trường kinh doanh

Theo GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội khoa học Kinh tế Việt Nam, vẫn còn nhiều điểm nghẽn có thể làm chậm quá trình phát triển của Việt Nam, như năng suất lao động giảm dần, hệ số sử dụng vốn (ICOR) tăng. Theo ông Thái, ICOR có được cải thiện do đã cắt giảm các khoản đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, nhất là đầu tư công, tuy nhiên, ICOR của một số lĩnh vực và doanh nghiệp FDI lại tăng lên nhanh do đầu tư vào các lĩnh vực thiếu hiệu quả như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán…

Bên cạnh đó, công nghiệp nước ta tuy phát triển nhanh nhưng 70% dựa vào FDI, không tạo được hiệu ứng lan tỏa nên kinh tế bản địa bị “lép vế”. Doanh nghiệp nhà nước sử dụng nguồn lực thiếu hiệu quả, doanh nghiệp dân doanh tuy phát triển nhanh về số lượng trong mấy năm gần đây nhưng vẫn quá nhỏ bé, không đủ sức cạnh tranh ngay ở thị trường trong nước, chứ chưa nói đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh này, theo nhiều chuyên gia, những tiềm năng phát triển trong tương lai sẽ không thể thành hiện thực nếu Việt Nam không có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa, trong đó chìa khóa là cải thiện môi trường kinh doanh.

Chính phủ đã đưa ra nhiều nghị quyết hướng tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng ông Lê Hải Mơ cho rằng, cùng với việc thực hiện các mục tiêu định lượng nêu trong các nghị quyết, cần khắc phục từ gốc cơ chế sinh ra những thủ tục hành chính của giai đoạn vừa qua. Nếu không chú ý thỏa đáng đến khía cạnh này, công cuộc cải cách thủ tục hành chính sẽ kéo dài vô tận, do cơ chế liên tục đẻ ra những thủ tục mới cần phải được cải cách.

Chuyên đề