Có được dùng đất chưa giải phóng mặt bằng thanh toán dự án BT?

(BĐT) - Theo nhiều địa phương, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc khai thác giá trị đất đai thông qua hình thức BT có thể bổ sung nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, huy động nguồn để giải phóng mặt bằng.
Quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng thanh toán dự án BT phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
Quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng thanh toán dự án BT phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt

Tuy nhiên, việc sử dụng đất chưa giải phóng mặt bằng để thanh toán cho dự án BT lại đặt ra câu hỏi liệu có đảm bảo tính pháp lý?

Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, một số ý kiến cho rằng, quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng thì chưa được coi là tài sản công, không đảm bảo tính pháp lý để thanh toán cho dự án BT.

Làm rõ về vấn đề này, Bộ Tài chính chỉ ra, Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định: Đất đai là một trong những tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, trong đó bao gồm đất đai và các loại tài nguyên khác. Luật Đất đai cũng quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề cần hoàn thiện, còn ý kiến khác nhau tại Dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, Bộ Tài chính kiến nghị việc lựa chọn nhà đầu tư cần thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi và giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.

Tại Dự thảo mới nhất, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng bỏ quy định biên độ 10% của giá trị quỹ đất so với giá trị dự án BT. Để đảm bảo nguyên tắc ngang giá và đảm bảo chặt chẽ, tránh lợi dụng để giao đất theo hình thức chỉ định với diện tích lớn hơn, tại nội dung quy định về thanh toán chênh lệch khi thực hiện quyết toán dự án BT, trong trường hợp tổng giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn tổng giá trị dự án BT thì nhà đầu tư thanh toán phần chênh lệch bằng tiền hoặc giảm trừ quỹ đất tương ứng.

Bộ Tài chính nêu thêm, theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai thì Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, và một trong những căn cứ để Nhà nước thu hồi đất vào các mục đích này là quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, Luật Đất đai cũng quy định, căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Nhà nước thực hiện thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để giao đất, cho thuê đất.

Với những căn cứ pháp lý này, theo Bộ Tài chính, Hiến pháp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai đều xác định đất đai là tài sản công; không thể cho rằng đất chưa giải phóng mặt bằng thì chưa được coi là tài sản công.

Đồng thời, theo Dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để Nhà nước thu hồi, giao cho nhà đầu tư ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Căn cứ kết quả bồi thường, giải phóng mặt bằng mới ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

Chuyên đề