Cơ chế vượt trội cho đặc khu kinh tế: "Dọn tổ" thế nào để "phượng hoàng đẻ trứng"?

Mô hình đặc khu kinh tế đã được các nước trên thế giới áp dụng từ vài chục năm trước, Việt Nam với các đặc khu kinh tế "sinh sau đẻ muộn" phải đưa ra cơ chế thế nào để đủ tươi mới, hấp dẫn, cạnh tranh với các đặc khu khác trên thế giới, đó là câu chuyện không dễ.
PGS.TS Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
PGS.TS Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Cú hích thế nào đủ mới?

Đặc khu kinh tế (Special Economic Zones - SEZ) đang được kỳ vọng như một cây đũa thần giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt bậc. Mới đây, phát biểu tại một diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đề án thành lập 3 đặc khu kinh tế, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), sẽ được trình lên Quốc hội để thông qua vào cuối năm nay.

"Tất cả sự phát triển của Việt Nam trong những năm vừa qua thì chúng ta luôn có bước đột phá sau những lần cải cách. Mỗi một lần cải cách chúng ta đều có động lực mới tạo tăng trưởng ngoạn mục, nhưng những cải cách này đã bắt đầu bão hòa và hết dư địa để tăng trưởng. Thực tiễn này đòi hỏi phải có một cú hích mới", Bộ trưởng lý giải.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng, với cú hích này, từ năm 2020 trở đi 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sẽ có tính lan tỏa, đóng góp tăng GDP địa phương (GRDP) hàng tỷ USD mỗi năm.

Từ năm 2030, nhờ các đặc khu này, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở 3 đặc khu sẽ đạt từ 12.000 đến 13.000 USD/người/năm

Thực tế mô hình đặc khu kinh tế đã được các nước áp dụng từ vài chục năm trước. Điển hình là Thâm Quyến – đặc khu đầu tiên của Trung Quốc - ra đời từ năm 1980. Việt Nam với các đặc khu kinh tế sinh sau đẻ muộn so với thế giới phải đưa ra thể chế thế nào để đủ tươi mới, hấp dẫn, cạnh tranh với các đặc khu khác trên thế giới là câu chuyện không dễ.

Theo PGS. TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, để “làm tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng”, Nhà nước phải “mở” hết tất cả những gì có thể về cơ chế, chính sách. Khi mà cơ chế ở một quốc gia còn nhiều hạn chế, chưa thể cởi mở ở khắp mọi nơi thì phải có một nơi thực sự thông thoáng.

“Câu hỏi đầu tiên khi phát triển đặc khu kinh tế là vốn ở đâu ra? Nếu muốn thu hút đầu tư nước ngoài thì trước hết phải mở cửa đón nhà đầu tư vào mà không chịu một rào cản nào về visa, tức là họ muốn vào bao nhiêu lần cũng được, muốn ra bao nhiêu lần cũng xong chứ không cần thiết phải 6 tháng xin phép lại”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho rằng, từ trước tới nay, thủ tục và vấn đề cư trú, đi lại thường tạo nên rào cản cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế việc xin cấp visa, cư trú xuất nhập cảnh có thể nên xem xét thời gian kéo dài suốt vòng đời dự án, tất nhiên, từ đó vào nội địa của Việt Nam lại là câu chuyện khác.

Một yếu tố nữa, theo PGS.TS Trần Kim Chung rất quan trọng là góc nhìn về chủ thể. Ở đây không nên có sự phân biệt doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài, cá nhân hay tập thể, hợp tác xã hay doanh nghiệp… Tất cả chỉ nên là một và những ưu đãi đều dành chung cho các đối tượng này, không có sự phân biệt.

Để kích thích việc giao thương ở đặc khu kinh tế, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, hàng hóa khi đưa vào đây chưa phải đóng thuế, thậm chí không cần cả thủ tục hải quan. Đến lúc hàng hóa bán vào nội địa mới cần đến những thủ tục này.

Không thể hòa vào nồi cháo chung nhà nghèo

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam

Đầu tư vào các dự án hạ tầng trị giá hàng chục tỷ USD chắc chắn sẽ là bài toán nan giải đầu tiên cho Việt Nam khi xây dựng các đặc khu kinh tế. Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp Hội BĐS Việt Nam cho rằng hạ tầng của đặc khu phải có một tiêu chuẩn cao hơn so với những nơi khác, vì thế mức vốn cũng cần lớn hơn rất nhiều. Và muốn thu hút được đầu tư thì hạ tầng khung vẫn phải có sự vào cuộc của Nhà nước. Sau đó, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng những hình thức xây dựng chuyển giao như BT, BOT.

Theo PGS.TS Trần Kim Chung, để có nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này, Nhà nước nên tạo ra cơ chế thông thoáng bằng cách, nguồn thu từ đặc khu được bao nhiêu, nên sử dụng chính nó làm vốn mồi để xây dựng hạ tầng chứ không phải nộp về cho ngân sách Nhà nước.

"Đồng thời, thuế được hưởng ưu đãi ở mức tốt nhất có thể, bằng với khu vực biên giới, hải đảo, xã đặc biệt khó khăn. Tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng những ưu đãi ấy, kể cả đất đai, cho thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân... Thậm chí có những ưu đãi về 0.

Đã là đặc khu, phải có những ưu đãi ở mức táo bạo, cho họ cái quyền được tự quyết để mảnh đất này thực sự trở thành nơi kích thích cho sự phát triển. Nếu vẫn còn những e dè thì “hòa vào nồi cháo chung nhà nghèo”, tất cả cùng kéo thụt lùi, không bao giờ có sự phát triển đột phá cả” – PGS.TS Trần Kim Chung khẳng định.

Một trong những rào cản được các nhà đầu tư đánh giá là yếu tố “bó chân” nhất chính là thời hạn sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, theo quy định của luật đất đai 2013, luật nhà ở 2014 thì quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư nước ngoài bình thường là 50 năm, với những trường hợp đặc biệt là 70 năm. Tuy vậy vẫn có khoảng thời gian gia hạn. Có nghĩa là có những trường hợp, người nước ngoài có quyền sử dụng đất đến 90 năm nhưng phải xin gia hạn.

“Nếu quy định của đặc khu kinh tế mà quyến sử dụng đất là 99 năm thì sẽ thuận lợi hơn, người ta đương nhiên được quyền đó không phải xin gia hạn. Điều này giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà, phiền phức.

Tuy vậy đấy là vấn đề nhà ở, đối với các loại hình khác như khu công nghiệp, nhà máy... thì còn tùy thuộc vào loại hình kinh doanh. Ví dụ đầu tư cơ sở hạ tầng, có thể sử đụng đất lâu dài 99 năm. Còn các cơ sở sản xuất phụ thuộc vào sự tồn tại của doanh nghiệp, chẳng hạn nhà máy mà doanh nghiệp chỉ tồn tại trong 50 năm thí sau đấy như thế nào? Phải trả lời được câu hỏi đó”.

Bàn về câu chuyện đất đai, PGS.TS Trần Kim Chung cũng thừa nhận, khó nhất trong cơ chế của đặc khu chính là câu chuyện đất đai bởi thời hạn sử dụng đất là 50 năm thì quá ngắn để doanh nghiệp tạo động lực đầu tư. Không tháo gỡ những vướng mắc của luật đất đai 2013 thì không thể giải quyết nút thắt này.

Sẽ còn một chặng đường dài để các đặc khu kinh tế được thành lập tại Việt Nam, bởi mới chỉ có viên gạch đầu tiên cho việc xây tổ cho phượng hoàng được đặt, có quá nhiều điều kiện cần phải chuẩn bị. Mảnh đất như thế nào đủ tươi mới hấp dẫn các nhà đầu tư, cạnh tranh với các đặc khu khác trên thế giới? Cơ chế thế nào đủ màu mỡ để "phượng hoàng đẻ trứng"? Điều này đòi hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để quyết tâm thực hiện đúng với tinh thần mà Thủ tướng đã nêu rõ, phải bảo đảm cạnh tranh quốc tế và khu vực, đi tắt đón đầu, tìm lợi thế so sánh để thu hút; phải tính trước mắt và lâu dài Việt Nam đang cần gì để chấp nhận những chuyện hết sức cụ thể ở từng đặc khu, “lợi người lợi ta là cái gì, trước mắt, lâu dài là gì”, không nên chỉ nhìn vào mặt bất cập rồi bàn lùi.

Chuyên đề