Có cần xây tháp truyền hình?

(BĐT) - Tại Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức chiều ngày 29/2, ông Nguyễn Khắc Định – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã trả lời báo chí về việc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đề xuất Thủ tướng Chính phủ đầu tư xây dựng tòa tháp cao 636m – cao nhất thế giới tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) và xin một số cơ chế đặc thù.
Theo đề xuất của VTV, tháp truyền hình cao 636 m
Theo đề xuất của VTV, tháp truyền hình cao 636 m

Theo ông Nguyễn Khắc Định, chủ trương xây dựng tháp truyền hình đã có từ rất lâu. Ngay từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8, vấn đề này đã được ghi trong Nghị quyết của Đại hội. Đến năm 1995, Quy hoạch phát triển phát thanh, truyền hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có nói đến việc phải xây dựng tháp truyền hình. Tiếp đó, đến năm 1997, VTV lại trình lên dự án tháp truyền hình cao 350m, tuy nhiên do ngân sách khó khăn nên phải dừng lại.

“Năm 2013, VTV tiếp tục trình Chính phủ về chủ trương xây dựng tháp truyền hình với đa mục tiêu như trong Quy hoạch đã được phê duyệt năm 1995 và bổ sung trong Chiến lược phát triển của VTV”, ông Định thông tin.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Định, trước đề xuất của VTV, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu nhiều bộ, ngành cho ý kiến, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội… cho ý kiến thống nhất với VTV về việc xây dựng tháp truyền hình đa mục tiêu, tạo điểm nhấn cho Hà Nội và không sử dụng ngân sách nhà nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý về chủ trương và có công văn giao cho VTV phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng dự án, lựa chọn nhà đầu tư tư nhân tham gia, mời tư vấn nước ngoài có uy tín để xây dựng Dự án.

“Trong quá trình xây dựng Dự án, VTV có đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án như doanh thu, thuế, đất đai... Tuy nhiên, hiện nay, Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp xây dựng báo cáo nghiên cứu dự án tiền khả thi, trong đó có xem xét tất cả các vấn đề mà xã hội và dư luận quan tâm. Đối với những đề xuất ưu đãi cụ thể, các bộ, ngành tùy theo thẩm quyền của mình sẽ xem xét, cho ý kiến; còn vấn đề nào không thuộc thẩm quyền thì tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định, nhưng phải theo quy định của pháp luật hiện hành”, ông Nguyễn Khắc Định thông tin và cho biết thêm: “Hiện nay, Dự án đang trong quá trình nghiên cứu báo cáo tiền khả thi. Sau khi có báo cáo tiền khả thi, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao cho các bộ, ngành liên quan thẩm định các vấn đề về cơ chế huy động, thu hồi vốn; vấn đề về lợi ích tổng thể trong thương mại, du lịch… Nếu đạt được các mục đích thì mới phê duyệt. Còn các vấn đề khác như VTV có kinh doanh ngoài ngành hay không, cơ chế do VTV đề nghị có trái luật hay không hiện nay chưa đánh giá vì chưa hình thành dự án”.

Chia sẻ suy nghĩ cá nhân, ông Nguyễn Khắc định cho biết: “Nếu dự án huy động vốn từ nhà đầu tư tư nhân và Hà Nội có được công trình đẹp, thu hút khách du lịch, đồng thời các bên từ Nhà nước, nhà đầu tư, cho đến người dân đều có lợi thì chắc chắn ai cũng sẽ ủng hộ”.

Chuyên đề