Chuẩn bị cho ngày chính thức đón cam kết TPP

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP được xem là Hiệp định có khối lượng các cam kết lớn nhất và phức tạp nhất mà Việt Nam từng có cho tới thời điểm hiện tại. Để tận dụng được các cam kết này, có 8 phần chính mà DN cần phải chú ý, trong đó cam kết về thuế quan và mở cửa thị trường đối với hàng hóa là một trong các lĩnh vực được quan tâm hàng đầu.
Được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, ngành dệt may được “ưu ái” có một chương cam kết riêng
Được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, ngành dệt may được “ưu ái” có một chương cam kết riêng

Hội thảo “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - những điều DN cần biết” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhằm cung cấp những thông tin thiết thực cho DN Việt trước thềm hội nhập.

TPP với văn kiện gồm 30 chương và gần 6.000 trang văn bản, sẽ chính thức được ký vào ngày 4/2/2016 đang đặt ra những thách thức lớn đối với DN Việt Nam trong việc tìm hiểu và vận dụng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), có 8 nội dung DN cần biết khi tìm hiểu về TPP, trong đó cam kết về thuế quan và mở cửa thị trường đối với hàng hóa được quan tâm hàng đầu.

Đầu tiên, các cam kết về ưu đãi thuế quan trong TPP là cam kết riêng ở từng dòng thuế, với từng thị trường. Do đó, DN quan tâm tới các ưu đãi thuế của các nước TPP dành cho Việt Nam và ngược lại, cần tra cứu chi tiết biểu cam kết của Việt Nam với từng thị trường liên quan.

Việt Nam cam kết loại bỏ phần lớn các dòng thuế quan cho hàng hóa các nước TPP nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả các dòng thuế nhập khẩu sẽ về 0% ngay khi TPP có hiệu lực. Đối với nhiều hàng hóa nhạy cảm, Việt Nam vẫn giữ được thuế quan trong lộ trình dài và duy trì hạn ngạch thuế quan đối với một số loại hàng hóa đặc biệt nhạy cảm.

Để biết được mức thuế nhập khẩu một loại hàng hóa từ các nước TPP vào Việt Nam, DN cần tra cứu biểu cam kết thuế quan của Việt Nam trong TPP thep từng loại hàng hóa cụ thể. Một số ví dụ như với thịt gà, Việt Nam chỉ xóa bỏ thuế nhập khẩu từ năm thứ 11/12, hay thịt lợn tươi từ năm thứ 10 và thịt lợn đông lạnh từ năm thứ 8.

Về quy tắc xuất xứ, theo bà Trang, mỗi nước TPP có thể có mức thuế ưu đãi khác nhau cho một sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, nhưng yêu cầu về quy tắc xuất xứ là giống nhau và áp dụng chung. Do đó, một sản phẩm xuất khẩu đáp ứng được quy tắc xuất xứ của TPP thì xuất khẩu sang bất kỳ một thị trường TPP nào cũng được hưởng ưu đãi thuế quan.

Trong cam kết TPP về thuế quan và mở cửa thị trường đối với hàng hóa, điểm đặc biệt là có một chương riêng về dệt may, đây cũng là ngành nghề mà các chuyên gia đánh giá được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.

Lý giải việc TPP có một chương riêng về dệt may, bà Trang cho biết, dệt may là một trong những sản phẩm chủ lực của Việt Nam, và thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ. Trong khi đó, đối với Hoa Kỳ, dệt may là một trong những ngành “nhạy cảm” (ngành may khá nhỏ, ngành dệt khá phát triển và có ưu thế chính trị lớn), Việt Nam lại là nước xuất khẩu lớn thứ 2 vào nước này (sau Trung Quốc).

Quy tắc xuất xứ chủ đạo với hàng dệt may trong TPP là “yarn-forward”(“từ sợi trở đi”) hay còn gọi là quy tắc “ba công đoạn”. Mặc dù sử dụng tên gọi “quy tắc từ sợi trở đi” để nói về quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng dệt may trong TPP, nhưng trên thực tế, trong cam kết TPP không có một quy tắc “từ sợi trở đi” chung cho tất cả các sản phẩm dệt may, mà sẽ cụ thể hóa với từng nhóm sản phẩm. Do đó, với mỗi nhóm sản phẩm dệt may, DN cần tra cứu cụ thể quy tắc xuất xứ riêng cho nhóm sản phẩm của mình. DN có thể tra cứu tại phụ lục 4A-Chương IV TPP.

Về phía DN, chia sẻ về chiến lược để tận dụng các cam kết của TPP, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, với việc trong “yarn-forward” vẫn có các ngoại lệ như 183 HS (mã hàng hóa) được vĩnh viễn nhập nguồn nguyên liệu từ các nước khác vẫn được hưởng thuế quan 0% và 8 dòng hàng được hưởng lợi trong 5 năm tới trước khi phải đáp ứng yêu cầu “từ sợi trở đi”.

“Thời gian qua Tập đoàn Dệt may đã triển khai đến các DN, thực hiện nhập một số mặt hàng như  áo tắm, áo bơi, quần áo trẻ em và một số dạng sợi cao cấp mà Việt Nam chưa làm được để khai thác lợi thế trước trong giai đoạn 5 năm”, ý kiến từ Tập đoàn cho biết.

Đề cập đến những điểm khó khăn của DN khi tham gia TPP, đại diện Tập đoàn Dệt may chia sẻ, ngoài việc đáp ứng nguồn nguyên liệu theo yêu cầu “yarn-forward”, vấn đề kỹ thuật là một khó khăn khi công nghệ dệt của Việt Nam còn rất yếu.

Đánh giá chung về ngành dệt may, bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, ngoài vấn đề nguyên liệu thì khó khăn trong kêu gọi đầu tư và hỗ trợ tài chính cũng đặt bài toán hóc búa cho các DN ngành dệt may hiện nay. Làm thế nào để vượt qua khó khăn và tận dụng được các cơ hội, đó là bài toán mới các DN phải có lời giải khi ngày ký kết TPP đang đến rất gần.

Chuyên đề