Chưa phát hiện kịp thời sai phạm trong hoạt động xây dựng

(BĐT) - Chiều 4/6, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng có chiều hướng giảm nhưng số lượng vi phạm vẫn còn ở mức cao, chậm được xử lý, gây ra những bức xúc trong dư luận.
Mặc dù tình hình vi phạm trật tự xây dựng có giảm nhưng còn ở mức cao, gây ra những bức xúc trong dư luận. Ảnh: Tường Lâm
Mặc dù tình hình vi phạm trật tự xây dựng có giảm nhưng còn ở mức cao, gây ra những bức xúc trong dư luận. Ảnh: Tường Lâm

Vi phạm xây dựng còn ở mức cao

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề, hiện có thực trạng phát triển tràn lan khu đô thị, xây dựng xong nhưng không có người ở, xây dựng không đúng quy hoạch, có khu đô thị nhưng không có nhà trẻ, trường học, siêu thị. Trách nhiệm của ngành xây dựng như thế nào và lộ trình giải quyết bất cập này?

Thông tin về quá trình đô thị hóa đang diễn ra hết sức nhanh chóng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, thống kê cả nước hiện có 828 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 38,5%. Theo thống kê về các công trình vi phạm trật tự xây dựng, năm 2016, cả nước có 15.593 công trình vi phạm (trong đó có 7.308 công trình không phép, 5.164 công trình sai phép, 3.121 công trình vi phạm khác); năm 2018 có 10.608 công trình vi phạm (trong đó có 3.012 công trình không phép, 5.331 công trình sai phép và 2.265 công trình vi phạm khác). Mặc dù tình hình vi phạm có giảm nhưng còn ở mức cao, gây ra những bức xúc trong dư luận.

Quá trình phát triển đô thị và những vi phạm trong hoạt động xây dựng có những hạn chế mà nguyên nhân, theo người đứng đầu ngành xây dựng, xuất phát từ vấn đề quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị; chất lượng quy hoạch còn hạn chế; tổ chức thực hiện quy hoạch chưa được kiểm soát tốt. Đơn cử, quy hoạch còn có những dự báo chưa theo kịp tốc độ phát triển thực tế cũng như khả năng tăng trưởng dân số, dẫn đến tính toán sai cấu trúc đô thị, sai chỉ tiêu hạ tầng, đầu tư công trình, hạ tầng thiếu căn cứ từ khâu quy hoạch.

Để xảy ra thực trạng này, Bộ Xây dựng nhận trách nhiệm chưa tham mưu kịp thời trong việc hoàn thiện thể chế; chưa nghiêm túc trong đánh giá, theo dõi thực hiện pháp luật; chưa phát hiện kịp thời những sai phạm trong thực tiễn. Đáng chú ý, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ, Bộ Xây dựng nhận trách nhiệm trong việc chậm thực hiện, chưa thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ, đơn cử như thẩm định một số dự án, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá.

Liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành xây dựng, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu rõ, bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam được đánh giá là đã lạc hậu và chậm sửa đổi, bổ sung, cập nhật theo sát thực tiễn. Vậy Bộ Xây dựng sẽ làm gì?

Mặc dù hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn là một trong những căn cứ quan trọng cùng với định mức, quy hoạch sẽ quyết định hiệu quả đầu tư của công trình, dự án, nhưng Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhìn nhận, quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành xây dựng chưa theo kịp những tiến bộ rất nhanh của vật liệu mới, biện pháp thi công mới.

Thời gian tới, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho biết, Bộ sẽ trình Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn để năm 2021 có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn mới phù hợp. “Trước mắt năm 2019, Bộ sẽ tiến hành sửa đổi ngay 4 quy chuẩn quan trọng đối với các dự án, công trình, đó là: quy chuẩn quy hoạch đô thị; quy chuẩn nhà ở và công trình dân dụng; quy chuẩn cơ sở hạ tầng và quy chuẩn phòng cháy chữa cháy. Cùng với đó sẽ rà soát 62 quy chuẩn, tiêu chuẩn khác trong năm 2019” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định. 

Còn 8 - 9 cơ quan chưa bàn giao trụ sở

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) bày tỏ quan tâm đến công tác di dời trụ sở các bộ, ngành, nhà máy, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô. Đại biểu này đánh giá và chất vấn, công tác này chưa được thực hiện nghiêm, trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong vấn đề này như thế nào?

Có cùng mối quan tâm, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) chất vấn, nhiều bộ, ngành, cơ quan mặc dù đã xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn chậm di dời, vẫn để một số đơn vị trực thuộc sử dụng trụ sở cũ mà chưa bàn giao cho TP. Hà Nội để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. “Đề nghị Bộ Xây dựng nêu rõ cơ quan, đơn vị nào chưa chấp hành việc di dời?” - đại biểu Phan Thị Mỹ Dung chất vấn.

Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề trên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận, mặc dù đã được bố trí địa điểm di dời, danh mục các đơn vị phải thực hiện di dời đã có nhưng công tác triển khai còn chậm, nhiều đơn vị chưa hoàn thành.

“Hiện còn có 8 - 9 cơ quan thuộc diện di dời nhưng chưa bàn giao lại quỹ đất trụ sở cũ. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ bàn bạc kỹ hơn với các cơ quan này để thực hiện việc bàn giao trụ sở cụ thể, đúng quy định” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định.

Trong ngày 5/6, Quốc hội sẽ tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà về các vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng sẽ tham gia trả lời chất vấn những nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ liên quan đến hoạt động xây dựng.

Chuyên đề