Chưa có quy trình quản lý đầu tư công theo hiệu quả

(BĐT) - Kỷ luật đầu tư công lỏng lẻo, sử dụng vốn đầu tư nhà nước thiếu hiệu quả dẫn tới bội chi ngân sách và nợ công ngày càng gia tăng là những vấn đề rất đáng quan ngại mà Báo cáo giám sát và đánh giá quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố mới đây.
Cần công bố công khai trên mạng các định mức cụ thể cho các dự án đầu tư công	Ảnh: Tất Tiên
Cần công bố công khai trên mạng các định mức cụ thể cho các dự án đầu tư công Ảnh: Tất Tiên

Kỷ luật đầu tư công lỏng lẻo, xử lý nợ đọng cơ bản đạt hiệu quả thấp

Theo đánh giá của CIEM, mặc dù Luật Đấu thầu và Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để áp dụng nguyên tắc thị trường trong phân bổ vốn đầu tư công, nhưng cho đến nay có nhiều quy định tiến bộ này vẫn chưa đi vào cuộc sống do thiếu văn bản hướng dẫn. Các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng được hệ thống tiêu chí thống nhất để phân bổ, giám sát, đánh giá nguồn vốn đầu tư công nên hiệu quả đầu tư công vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Vấn đề đặc biệt đáng quan ngại, theo Báo cáo của CIEM là kỷ luật, kỷ cương đầu tư công còn rất lỏng lẻo dẫn tới việc thực hiện trên thực tế thiếu hiệu quả và thiếu sự quản lý. Mặc dù đã có những văn bản pháp luật quy định chặt chẽ, những chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhưng rất nhiều địa phương vẫn tiếp tục xảy ra sai phạm. Các quy trình quản lý đầu tư công theo hiệu quả đầu tư chưa hình thành. Đây cũng là lý do dẫn tới hiệu quả của việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) rất thấp.

Theo số liệu thống kê CIEM trích dẫn từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2013, nợ đọng XDCB giảm xuống còn 28.000 tỷ đồng so với mức 85.000 tỷ đồng năm 2011. Tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp hơn kế hoạch xử lý nợ mà Chính phủ đã đặt ra.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Ban Kinh tế vĩ mô thuộc CIEM, thực trạng trên cho thấy, mặc dù khung khổ các văn bản pháp luật về kỷ luật đầu tư công là khá chặt chẽ nhưng khi thực hiện lại rất lỏng lẻo. Trong vòng 3 năm, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành 5 chỉ thị về một vấn đề là xử lý nợ đọng XDCB nhưng tình trạng để xảy ra nợ đọng mới vẫn tiếp diễn, nợ cũ vẫn chưa giải quyết được dứt điểm. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không thể thu hồi được công nợ dẫn đến không trả được vốn vay ngân hàng và dẫn đến nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tiếp tục ở mức cao.

Thiếu cơ chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường

Theo đánh giá của CIEM, thời gian qua, đã có những chuyển biến nhất định trong đầu tư công theo hướng điều chỉnh theo cơ chế thị trường như thúc đẩy hợp tác công tư, khởi động các dự án nhượng quyền khai thác tại các sân bay, bến... Tuy nhiên,  nhìn tổng thể thì việc phân bổ vốn đầu tư công vẫn đang thực hiện theo các quyết định chính trị hơn là dựa vào hiệu quả của dự án mang lại.

“Đến nay quá trình tái cơ cấu đầu tư công chỉ mới tập trung vào đảm bảo việc tuân thủ các quy định của Nhà nước về đảm bảo không gây nợ đọng, không đầu tư khi chưa có nguồn vốn, mà chưa đưa ra được những cơ chế phân bổ nguồn lực dựa vào cạnh tranh. Đầu tư công hiện nay đang thiếu cơ chế để đảm bảo số tiền đầu tư công hạn hẹp được sử dụng vào những dự án cần kíp nhất, với chi phí ít nhất và mang lại hiệu quả cao nhất.
Luật Đấu thầu 2013 là một nỗ lực lớn của Nhà nước nhằm buộc các doanh nghiệp tham gia các dự án đầu tư công phải thông qua đấu thầu cạnh tranh. Tuy nhiên, chúng ta chưa có cơ chế cạnh tranh trong việc phân bổ vốn đầu tư về cho các cơ quan làm chủ đầu tư”, báo cáo CIEM nêu vấn đề.

Điều này tạo ra kẽ hở lớn nhất trong đầu tư công do việc vẫn tiếp tục duy trì cơ quan chủ quản. Các cơ quan chủ quản (bộ, ban, UBND cấp tỉnh) vừa là cơ quan phê duyệt các dự án đầu tư công, vừa là cơ quan chủ sở hữu các doanh nghiệp thực hiện các dự án, đồng thời là cơ quan giám sát, thẩm tra các dự án đó. Theo cảnh báo của CIEM, nếu tiếp tục cơ chế này thì nguy cơ trục lợi từ các dự án đầu tư công là rất lớn. Chi phí thực hiện dự án sẽ bị đẩy lên rất cao, hiệu quả của đầu tư công vì thế sẽ rất thấp.

Để khắc phục tình trạng này và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, CIEM kiến nghị một số giải pháp, trong đó có việc triển khai thực hiện phân bổ đầu tư công theo khuôn khổ đầu tư trung hạn. Đổi mới tổ chức bộ máy giám sát và thẩm định đầu tư theo hướng tổ chức các hội đồng chuyên môn tư vấn cho cơ quan giám sát và thẩm định. Mở rộng chức năng giám sát thẩm định trên các tiêu chí hiệu quả đầu tư, tiết kiệm hơn là chỉ tập trung giám sát tuân thủ quy trình đầu tư.
Bên cạnh đó, cần quyết liệt hơn trong việc xử lý nợ đọng XDCB, tăng cường kỷ cương trong việc thực hiện các chỉ thị, quyết định, nghị định và các văn bản pháp luật trong vấn đề thực hiện đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Cần công bố công khai trên mạng các định mức cụ thể cho các dự án đầu tư công. Các dự án đầu tư công bắt buộc phải kiểm toán và kết quả kiểm toán phải được công bố công khai lên Internet. Những quy định này cũng bắt buộc áp dụng đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư. 

Chuyên đề