Chiếc áo cũ đã chật

(BĐT) - Đó là cách nói hình ảnh của một nhà đầu tư khi được hỏi về khung khổ pháp lý đối với thu hút đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ công... 
Thời gian tới, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng vẫn rất lớn, nhưng nguồn lực nhà nước chỉ có thể đáp ứng khoảng 50%, phần còn lại trông đợi ở khu vực tư nhân. Ảnh: Lê Tiên
Thời gian tới, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng vẫn rất lớn, nhưng nguồn lực nhà nước chỉ có thể đáp ứng khoảng 50%, phần còn lại trông đợi ở khu vực tư nhân. Ảnh: Lê Tiên

Mới đây, Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chính thức công bố lấy ý kiến rộng rãi. Đây là văn bản luật nhận được sự trông đợi, kỳ vọng rất lớn từ cả phía Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Hơn 1,6 triệu tỷ đồng được huy động theo hình thức PPP

Theo Báo cáo của Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP, tính đến thời điểm hiện tại có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, tổng vốn huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng. Trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác. Dù còn một số tồn tại nhưng các công trình, dịch vụ có được từ các dự án PPP đã góp phần tích cực hoàn thiện chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải... Qua đó, kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân.

Các số liệu đã được công bố cho thấy, thời gian tới, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng vẫn rất lớn, nhưng nguồn lực nhà nước chỉ có thể đáp ứng khoảng 50%, phần còn lại trông đợi ở khu vực tư nhân. Trước mắt, chỉ tính riêng 8 dự án BOT thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần huy động khoảng 51 nghìn tỷ đồng từ khu vực tư nhân. Theo nhiều ý kiến, nếu chính sách đủ hấp dẫn hút vốn nhà đầu tư trong và ngoài nước, bài toán nguồn lực cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông nói riêng, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng dịch vụ công để phát triển đất nước nói chung có thể có lời giải. Không chỉ vậy, sự tham gia của khu vực tư nhân còn giúp nâng cao chất lượng công trình, dịch vụ công, cải thiện năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, tạo thị trường cạnh tranh cho lĩnh vực dịch vụ công... 

“Cuộc chơi” của những dự án nghìn tỷ cần điều chỉnh bằng luật

Dù nguồn lực tư nhân không thiếu, nhưng với khung khổ pháp lý như hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện sự e ngại, không sẵn sàng đầu tư vào các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng. 

Trong Dự thảo Tờ trình về Dự án Luật PPP, Bộ KH&ĐT cho biết, khung pháp lý điều chỉnh dự án PPP mới dừng ở cấp nghị định, đồng thời bị điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, trong khi quy định tại các luật này được xây dựng hướng tới dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân thuần túy. Quy định đối với đầu tư PPP tại cấp nghị định không thể trái luật. Việc không thể phản ánh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư dẫn đến quá trình triển khai dự án PPP còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong khi đó, việc thay đổi quy định tại các luật nêu trên hoặc các nghị định dưới luật đều có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến việc tuân thủ hợp đồng dự án PPP.

Trong khi Nhà nước cần tiền để đầu tư hạ tầng, dịch vụ công thì khu vực tư nhân không thiếu tiền, không thiếu phương án đầu tư, chỉ thiếu cơ chế đủ vững chắc để họ yên tâm rót vốn vào những dự án lớn tại Việt Nam.
Bộ KH&ĐT cũng dẫn lại đánh giá của các nhà đầu tư cho rằng, quy định về PPP tại nước ta có tính ổn định chưa cao. Hợp đồng dự án PPP thường kéo dài từ 20 - 30 năm. Rủi ro khi chính sách thay đổi là hiện hữu đối với nhà đầu tư, dẫn tới việc nhiều nhà đầu tư đề xuất áp dụng bảo lãnh hoặc yêu cầu một mức lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hồi vốn dài hơn nhằm bù đắp cho những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu. Điều này gián tiếp làm tăng chi phí của dự án, chi phí xã hội để thực hiện dự án PPP cũng như chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Cũng theo Dự thảo Tờ trình, hiện khung pháp lý về PPP còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như đảm bảo việc thực hiện dự án thành công. Quy định hiện hành tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP đã đề cập đến vốn góp của Nhà nước, được xem là công cụ hỗ trợ trong giai đoạn xây dựng nhằm tăng tính khả thi cho dự án. Tuy nhiên trên thực tế, trừ các dự án quan trọng được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế riêng, chưa có dự án PPP nào được bố trí phần vốn này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, bởi nguồn vốn đầu tư công rất hạn hẹp và trình tự, thủ tục cân đối, bố trí vốn cũng chưa phù hợp với đặc thù dự án PPP.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các dự án, các tổ chức quốc tế và một số nhà đầu tư quan tâm đều đề cập việc thiếu hụt công cụ bảo đảm, bảo lãnh trong chính sách hiện nay. Các nội dung nêu trên đều không thể quy định ở cấp nghị định của Chính phủ do vướng các luật như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công.

Trong bối cảnh này, theo Bộ KH&ĐT, việc ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các luật khác, đảm bảo khung pháp lý ổn định trong quá trình áp dụng là rất cần thiết.

Chuyên đề