Chi phí đắt đỏ – mối quan ngại lớn của DN Việt Nam

(BĐT) - Chi phí kinh doanh là một trong những yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh của DN. Tuy nhiên, mức chi phí kinh doanh cao ngất ngưởng như hiện nay đang trở thành mối quan ngại lớn của DN Việt Nam hiện nay, kể cả chi phí chính thức cũng như chi phí không chính thức...
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Chi phí kinh doanh ở mức cao so với khu vực

Ngay trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN sắp sửa diễn ra, VCCI cho biết, theo báo cáo “Khảo sát về Môi trường kinh doanh” năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia. Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế ở Việt Nam cũng cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore. Chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.

Trong cơ cấu chi phí kinh doanh của DN, VCCI cho rằng, chi phí về logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao. Chẳng hạn như chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội, hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), DN phải trả gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra, còn phải kể đến vô vàn chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển…

Lấy một ví dụ khác trong lĩnh vực sản xuất bao bì nhựa, nhóm DN này cũng đang chịu ảnh hưởng của thuế nhập khẩu mới đối với nguyên liệu đầu vào sản xuất với mức tăng gấp ba lần kể từ đầu tháng 1/2017. Việc áp thuế nhập khẩu hạt nhựa PP lên mức 3% tác động trực tiếp vào cơ cấu giá thành sản phẩm và gián tiếp tác động đến năng lực cạnh tranh của các DN.

Cộng với đó là sức ép về chi phí vay vốn, đặc biệt là nợ ngắn hạn, đã khiến không ít DN đứng trước nguy cơ gặp rủi ro lớn trong vay nợ. Chi phí thuê mặt bằng kinh doanh trong nước quá cao cũng gây khó khăn cho các DN, đặc biệt là DNNVV. Hầu hết các DN có quy mô trung bình trở xuống tại Việt Nam không thể chi trả những khoản phí cao để thuê mặt bằng tốt, có vị trí thuận lợi, và thường bị lép vế so với các đối thủ quốc tế, là những nhà bán lẻ danh tiếng, giàu kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính vững mạnh hơn.

Theo Báo cáo “Khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương năm 2016” của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố đầu năm 2017, có tới gần 60% DN lo ngại chi phí nhân công tăng cao tại Việt Nam. So với nhiều nước và ngay trong khối ASEAN, Việt Nam đang có mức đóng bảo hiểm cao nhất. Mức đóng bảo hiểm tại Việt Nam là 32,5% mức lương tháng, trong đó DN đóng 22%, người lao động đóng 10,5%. Trong khi đó, Malaysia chỉ đóng BHXH 13%, Phillippines 10%, Indonesia 8%. Tỷ lệ đóng bảo hiểm giữa DN và người lao động ở Việt Nam cũng khác xa, trong khi nhiều nước quy định DN và người lao động đóng bằng nhau, mỗi bên 50%. Với chi phí như vậy đòi hỏi người lao động phải tạo ra một giá trị nhất định thì DN mới có thể tồn tại được, tức là năng suất lao động phải đạt ở mức đủ cao. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động thế giới, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn của Singapore tới gần 16 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.

Chi phí không chính thức chiếm hơn 10%

Bên cạnh chi phí kinh doanh hầu hết vẫn đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, DN Việt Nam còn phải “gánh” thêm một khoản chi phí không nhỏ nữa – chi phí không chính thức. Có tới 66% trong số 11.000 DN được hỏi xác nhận đã trả loại phí này (Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI - 2016 của VCCI). Tình trạng này không có mấy cải thiện qua các năm. Từ năm 2014 - 2016, có từ 9 - 11% DN tham gia điều tra cho biết, các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6 - 8% giai đoạn 5 năm trước.

Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN vẫn phổ biến, mặc dù chỉ tiêu này đã được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013 - 2014 xuống còn 58% năm 2016), nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó.

Theo VCCI, các lĩnh vực mà các DN thường phải trả các chi phí không chính thức để thực hiện thủ tục nhanh hơn như cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh,; tiếp đón thanh tra, kiểm tra; thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện... Theo kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, có 37% số DN thuộc diện khảo sát được thanh tra, kiểm tra trong năm 2016. Trong đó, có khoảng 13,8% DN bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Trong những DN có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, có 52,4% lượt DN cho rằng nội dung của các cuộc kiểm tra có những nội dung giống nhau. Đáng chú ý, một số DN trong những lĩnh vực nhất định (chế biến thực phẩm...) còn phải chịu sự giám sát cùng lúc của “năm cha ba mẹ” bởi nhiều bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương, đã gây áp lực rất lớn tới DN.

Để giảm áp lực về chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của DN, VCCI kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, giảm trừ thuế, tạo thuận lợi cho DN ổn định đầu tư, phát triển trong thời kỳ khó khăn hiện nay; vận dụng linh hoạt các phương thức bảo đảm tiền vay; cân nhắc việc tăng lương tối thiểu vùng phù hợp với sức chịu đựng của DN; nâng cao tay nghề cho người lao động để tăng năng suất, giảm chi phí lao động, nhất là đối với các ngành đang sử dụng nhiều lao động hiện nay như Dệt - May, Da - Giầy; miễn giảm tiền thuê đất và tạo cơ chế chính sách hỗ trợ DN tiếp cận đất sản xuất...

Chuyên đề