Chậm trễ tại Dự án Nhà liên hợp Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh): Thiên không thời, nhân bất hòa

Cùng với thiên tai, sự yếu kém của nhà thầu và những hạn chế về năng lực quản lý dự án đã khiến Hà Tĩnh lao đao trong nỗ lực “nâng tầm quốc tế” cho Cửa khẩu Cầu Treo.
Nhà liên hợp cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang tiếp tục được thi công. Ảnh: Thế An
Nhà liên hợp cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang tiếp tục được thi công. Ảnh: Thế An

Công trình “rùa bò”

Cửa khẩu Cầu Treo được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, với mặt bằng chật hẹp, giao thông xuống cấp, trang thiết bị phục vụ việc kiểm soát thông quan lạc hậu, không tương xứng với tiềm lực giao thương và mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào.

Để xứng tầm là cửa khẩu quốc tế, ngày 17/2/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 372/QĐ - UBND đầu tư xây dựng Dự án Nhà liên hợp Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết hợp Quốc môn, với tổng mức đầu tư trên 149,3 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, ngân sách tỉnh và huy động vốn của các ngành chức năng làm việc trong khu vực cửa khẩu Cầu Treo theo suất đầu tư và diện tích sử dụng.

Dự án được xây dựng trên diện tích 4.385 m2, tại xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), với quy mô 1 nhà 4 tầng, có tổng diện tích sàn 14.057 m2; hệ thống sân đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước… thuộc công trình dân dụng cấp 2. Dự án được giao cho Ban Quản lý Khu  kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (nay là Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng A.I.I.C.O làm đơn vị tư vấn lập dự án.

Ngày 11/7/2011, Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã ký Hợp đồng số 15/2011/TCXL với nhà thầu là Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Nga Sơn (Công ty Nga Sơn). Với kỳ vọng, đến cuối năm 2012, công trình sẽ hoàn thành và được đưa vào sử dụng để đáp ứng nhu cầu về diện tích làm việc, phục vụ các hoạt động về ngoại giao, kiểm tra, kiểm soát của các nghành chức năng tại cửa khẩu, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh biên giới.

Kỳ vọng lớn là thế, song cho đến gần 2 năm sau công trình vẫn chỉ là… một bãi móng bê tông trên mặt bằng đã được quy hoạch xây dựng.

Trước thực trạng đó, ngày 18/4/2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phải phát Văn bản 1193/UBND-TM chấm dứt hợp đồng thi công công trình đối với nhà thầu là Công ty Nga Sơn để tìm nhà thầu có thể thực hiện Dự án.

Theo ông Lê Phi Hiệp, đại diện đơn vị tư vấn giám sát công trình là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và phát triển T&Tcho biết, trong khoảng thời gian thi công, nhà thầu Công ty Nga Sơn chỉ thực hiện được khoảng 3-4% khối lượng theo hợp đồng.

Để khắc phục tình trạng chậm trễ, ngày 3/5/2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản 1330/UBND - TM cho phép Ban Quản lý KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được đàm phán, ký hợp đồng với Công ty cổ phần Sản xuất công nghiệp tham gia thi công để có thể đưa công trình vào sử dụng trước ngày 30/6/2014.

Ngày 9/5/2013, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã ký hợp đồng số 02/2013/HĐXD với Công ty cổ phần Sản xuất công nghiệp, tiếp tục thi công xây dựng công trình. Tuy nhiên, cho đến nay, thay vì sự hiện hữu của một công trình hoành tráng tại cửa ngõ phía Tây Hà Tĩnh, thì nơi đây vẫn đang tiếp tục là… một công trường xây dựng!

Lý giải cho việc chậm tiến độ, ông Lâm Văn Học, Phó giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất công nghiệp xây lắp 3 (Công ty con của Công ty cổ phần Sản xuất công nghiệp) cho biết: “Sau khi nhận công trình và triển khai thi công từ đầu tháng 5/2013, Công ty đã thi công ngày đêm để giữ đúng cam kết tiến độ với chủ đầu tư. Đến cuối tháng 8/2014, trục 4 - 16 của Nhà liên hợp đã được hoàn thành. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng thi công và do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài (từ cuối tháng 9 cho đến hết tháng 10/2013) trên địa bàn, gây sạt lở nghiêm trọng kè bên Nhà liên hợp đã khiến, từ tháng 9/2014, Công ty đã phải tạm dừng để xin điều chỉnh thiết kế cho dự án”.

Thêm thời gian, “xài” thêm ngân sách

Sau gần 1 năm chờ đợi, đến ngày 22/7/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới ban hành Quyết định 2823/QĐ - UBND phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên gần 215 tỷ đồng, với thời gian cho phép được hoàn thành dự án trong năm 2016.

Gần 3 tháng sau, ngày 25/11/2015, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định phê duyệt hồ sơ điều chỉnh tổng dự toán, với thời gian thực hiện hợp đồng hoàn thành trước ngày 31/12/2016. Từ đó, nhà thầu mới có cơ sở để triển khai thi công hạng mục kè chống sạt lở và giải phóng mặt bằng để thi công.

Cũng phải nói thêm rằng, khi sự cố sạt lở xảy ra, ngày 31/10/2013, đại diện chủ đầu từ cùng các đơn vị liên quan đã lập biên bản thống nhất phương án xử lý. Trong biên bản, các bên liên quan cũng đã thống nhất giao đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thiện hồ sơ thiết kế điều chỉnh trước ngày 15/11/2013 để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt làm căn cứ cho nhà thầu thi công triển khai thực hiện, nhưng phải hơn 2 năm sau, nhà thầu mới được tiếp tục công việc đang dang dở của mình.

“Với đặc trưng là khu vực có độ ẩm rất cao, mù xuất hiện sớm trong ngày, bụi từ việc thi công ta -luy phía trục 1- 4 đã gây ảnh hưởng đến mỹ quan công trình. Bên cạnh đó, công trình phải sơn 3 lần, nhưng mới chỉ sơn 1 nước, vì đang nằm trong khu vực thi công hỗn hợp. Các hạng mục như trần, khe giãn nở chưa thực hiện vì chưa đưa vào sử dụng, độ ẩm trong nhà lại rất cao, thường xuyên có nước ứa ra trong các phòng và trần nhà làm việc, nên chúng tôi chưa thể hoàn thiện được”, ông Lâm Văn Học nói.

Ông Lê Phi Hiệp, đại diện cho nhà thầu tư vấn giám sát khẳng định: “Các hạng mục của công trình đã được nhà thầu hoàn thành bảo đảm về chất lượng. Đây là công trình vừa thi công, vừa bảo đảm giao thông, trên tuyến lại có nhiều phương tiện vận tải có trọng tải lớn, nên những ảnh hưởng tới công trình là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, hiện tại luồng xuất cảnh đang quá tải do phải “cõng” thêm các phương tiện nhập cảnh, nên xuất hiện những va chạm gây nứt vỡ khu vực sát với luồng thông quan. Những nứt vỡ đó đã được chủ đầu tư chấp nhận trong quá trình thi công.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu công trình hoàn thành từ năm 2012 như kế hoạch, thì đã không thể xảy ra những sự cố như sạt lở kè khiến cho công trình phải tạm dừng để bổ sung thiết kế, kéo dài thời gian hoàn thành và tiêu tốn thêm trên 60 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Không chỉ có vậy, các công trình đã và đang thi công cần được kiểm soát chặt về chất lượng để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc do tác động của thiên tai. Cần phải biết rằng, đợt mưa lũ năm 2013, không chỉ làm sạt lở kè của Dự án đang còn dang dở, mà còn cuốn trôi hoàn toàn một số vị trí đường giao thông tại khu vực này buộc phải sửa chữa và làm mới, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng từ ngân sách.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, trục 1- 4 của Dự án Nhà liên hợp Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết hợp Quốc môn chưa thể thi công vì mặt bằng đang tập trung cho thi công kè chống sạt lở do mùa mưa bão sắp tới. Theo tính toán, phải tới cuối tháng 4/2016, nhà thầu mới có thể triển khai thi công trục 1-4 của Nhà liên hợp và đó sẽ là những công đoạn cuối cùng để hoàn thiện Dự án.

Đã không còn đường lùi cho những người thực hiện Dự án Nhà liên hợp cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết hợp Quốc môn nữa và dù có chậm tới gần 4 năm, thì Dự án chắc chắn vẫn sẽ phải hoàn thành, nhưng ai sẽ là người giải đáp những nghi ngại về năng lực điều hành của Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo? Ai sẽ đứng ra để nhận trách nhiệm trong việc để Dự án phát sinh thêm nhiều chục tỷ đồng do chậm trễ?

Chuyên đề