“Cha đẻ” của Điều lệ đầu tư nước ngoài

(BĐT) - Mùa xuân Đinh Dậu 2017 này, Việt Nam ghi nhận một dấu mốc ý nghĩa: Tròn 30 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) năm 1987, một luật chính thức đưa Việt Nam mở cửa đón dòng vốn ngoại quan trọng cũng như từng bước hội nhập kinh tế sâu rộng với khu vực và thế giới. 
Hồ Chủ tịch và toàn thể Hội đồng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng bá vai ông Phan Anh và đồng chí Đặng Việt Châu (người thứ 4 từ phải sang) Ảnh chụp cuối năm 1950
Hồ Chủ tịch và toàn thể Hội đồng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng bá vai ông Phan Anh và đồng chí Đặng Việt Châu (người thứ 4 từ phải sang) Ảnh chụp cuối năm 1950

Ít ai biết rằng, cách thời điểm đó 10 năm, nghĩa là cách nay tròn bốn thập kỷ, đã có một văn bản đặt nền móng cho sự ra đời của luật nói trên, đó là Điều lệ ĐTNN năm 1977 do Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu chỉ đạo triển khai xây dựng.

Dấu mốc lịch sử về chính sách đầu tư nước ngoài

Ngày 18/4/1977, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký một văn bản quan trọng - Nghị định 115-CP “Ban hành Điều lệ về đầu tư của nước ngoài ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, gồm 7 Chương, 27 Điều quy định những nội dung cụ thể hướng dẫn thực hiện ĐTNN tại Việt Nam. Người có ý tưởng đầu tiên về việc đưa ra một văn bản pháp luật quy định các hoạt động đầu tư của nhà ĐTNN trên lãnh thổ nước Việt Nam thống nhất, đồng thời trực tiếp tổ chức triển khai xây dựng văn bản này là Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu.

Theo GS. Lưu Văn Đạt, một cộng sự của Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu, ngay sau ngày đất nước thống nhất, một số tập đoàn lớn của CHLB Đức, Italia, Canada… đã sớm có ý định đầu tư vào Việt Nam, trước hết là hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại một số nơi thuộc thềm lục địa phía Nam. Trước hoàn cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn của thời kỳ hậu chiến, rất cần nguồn lực mới hỗ trợ đầu tư phát triển, Chính phủ đã sớm nhận ra tầm quan trọng của ĐTNN và mong muốn Việt Nam có chính sách đón được dòng vốn này. Điều cấp thiết đặt ra là phải có một hành lang pháp lý để ĐTNN có cơ sở triển khai trong thực tiễn. Tuy nhiên, khi vấn đề này được đưa ra Trung ương, đã có không ít ý kiến và tranh luận gay gắt, thậm chí ngược chiều nhau. Có ý kiến cho rằng, chúng ta mới thống nhất đất nước, đang tiến hành công cuộc cải tạo tư sản ở miền Nam, việc sớm mở cửa cho các nhà ĐTNN mà cụ thể là doanh nghiệp của các nước tư bản đến làm ăn rất dễ mâu thuẫn với đường lối phát triển kinh tế tập trung của Nhà nước, thậm chí là có khuynh hướng đi chệch định hướng XHCN.

Nhận thức được những khó khăn, thách thức lớn đó nên khi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ủy quyền, ngay từ cuối năm 1976, Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu đã cho gọi ông Lưu Văn Đạt, lúc đó đang là Chánh văn phòng Bộ Ngoại thương lên Văn phòng Chính phủ, truyền đạt tư tưởng nhất thiết phải biên soạn, ban hành một văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và giao nhiệm vụ cho ông làm Tổ trưởng Tổ soạn thảo văn bản.

Để thay đổi “những cái đầu bảo thủ”, Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu đã viện dẫn tư tưởng mở cửa và phát triển kinh tế của Hồ Chủ tịch trong lần Người trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài ngay sau ngày giành được độc lập, tháng 9/1945: “Chúng tôi hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác… Chúng ta sẽ mời các nhà chuyên môn Pháp cũng như Mỹ, Nga, Tàu đến giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”… “Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình… sẵn sàng mở rộng tất cả các cảng, sân bay, đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế…” (trích Thư Hồ Chủ tịch gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc, tháng 12/1946). Chính lập luận chặt chẽ, khúc chiết đó cũng như phân tích tính cần thiết của dòng vốn ngoại tham gia phát triển kinh tế đất nước nên chủ trương xây dựng Điều lệ ĐTNN năm 1977 đã được Trung ương thông qua.

Để Tổ soạn thảo hoạt động đạt hiệu quả, Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu đã huy động những chuyên gia kinh tế có chuyên môn giỏi tham gia như GS. Nguyễn Ngọc Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trịnh Văn Bính… và trực tiếp chỉ đạo lấy ý kiến tham gia của các cơ quan hữu quan về thủ tục đầu tư, về vốn, thuế, lợi tức, lương bổng, quy chế với lao động người Việt Nam làm việc tại các công ty có vốn ĐTNN... Có thể coi Điều lệ ĐTNN năm 1977 là một văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh đầu tiên về lĩnh vực này tại Việt Nam, một công trình pháp luật có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, trong đó Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu là người chỉ đạo triển khai nhiều nội dung, từ cụ thể đến cấp vĩ mô.

Ngay sau khi Nghị định 115-CP được ban hành, tờ Tạp chí Citibank - ngân hàng lớn của Hoa Kỳ trong một bài bình luận số tháng 5/1977, đã viết: “Người Việt Nam đã bày tỏ với mức độ khá thực dụng khi đưa ra bản Điều lệ ĐTNN, có thể xem là rất không thông thường mà một nước XHCN đã công bố”. Điều này chứng tỏ độ “mở cửa” và tính “hội nhập” tích cực của Điều lệ ĐTNN năm 1977 trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Mặc dù phải đến 10 năm sau, khi Luật ĐTNN năm 1987 ra đời, hành lang pháp lý về ĐTNN ở Việt Nam mới hoàn chỉnh, cùng với quá trình đổi mới, mở cửa của đất nước đã đem lại hiệu quả ngày càng lớn cho hoạt động ĐTNN ở Việt Nam, nhưng có thể coi Điều lệ ĐTNN năm 1977 là nền tảng quan trọng. Và vị “cha đẻ” – Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu, qua bản Điều lệ từ 40 năm trước đã không chỉ thể hiện tư duy kinh tế vượt thời đại, mà còn phát triển được tư tưởng mở cửa của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước, được nhiều người đánh giá cao, cũng như thể hiện chính sách hội nhập kinh tế của nước Việt Nam thống nhất từ khi công cuộc đổi mới đất nước còn chưa ra đời. 

Nhà quản lý kinh tế ưu tú của cách mạng Việt Nam

Đồng chí Đặng Việt Châu (1914 - 1990) quê xã Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định, là lớp tiền bối cách mạng, sớm đi theo tiếng gọi của Đảng từ những năm 1930. Ông là nhà cách mạng kiên cường, từng là Bí thư Chi bộ Nhà tù Hỏa Lò, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định thời kỳ trước năm 1945. Tuy không tốt nghiệp một trường đào tạo về kinh tế nào, nhưng ông được đánh giá là nhà quản lý kinh tế ưu tú có nhiều tư tưởng đổi mới, là một trong những người đặt nền tảng cho Luật ĐTNN ở Việt Nam.
Bà Đặng Minh Châu, người con gái duy nhất của Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu kể: “Tháng 7/1950, khi đang là Phó Chủ tịch Liên khu IV, cha tôi được lệnh ra Việt Bắc. Ông được Bác Hồ mời đến làm việc, bất ngờ Người hỏi: “Chú đã làm kinh tế bao giờ chưa?”. Cha tôi thưa: “Thưa Bác, dạ chưa!”. Không tỏ vẻ bất ngờ, Người tiếp: “Trung ương Đảng và Bác định giao cho chú một nhiệm vụ quan trọng, làm Thứ trưởng Bộ Kinh tế, chú có đảm nhiệm được không?”. Ông bất ngờ nhưng hứa với Bác: “Nhiệm vụ nào Bác và Đảng giao cháu cũng dốc sức hoàn thành”. Thì ra, từ tháng cuối năm 1944, khi tham gia Đoàn cán bộ cao cấp Việt Minh sang Trung Quốc đón Người rồi cùng Người về Tân Trào, Bác đã quan sát và phát hiện ra khả năng tổ chức quản lý kinh tế của cha tôi. Năm 1946, Người đã giao cho ông vào Thanh Hóa tìm hiểu việc xây dựng chiến khu sau khi toàn quốc kháng chiến”.

Từ đây cho đến cuối đời công tác, cuộc đời hoạt động của đồng chí Đặng Việt Châu gắn với các cương vị lãnh đạo nhiều ngành kinh tế then chốt của đất nước như Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước… Ở ngành nào, lĩnh vực nào, ông cũng có những dấu ấn lớn, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam.

Khi nói về những đóng góp trên “mặt trận” kinh tế của đồng chí Đặng Việt Châu, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: “Người ta có thể đặt câu hỏi: Võ Nguyên Giáp đã học ở trường võ bị nào mà trở thành vị tướng lừng danh thế giới? Đặng Việt Châu chưa qua một trường lớp kinh tế, vì lẽ nào đã trở thành một nhà lãnh đạo kinh tế tài ba? Sở dĩ họ thành công bởi là “lớp người tiên phong, khai mở” mọi cánh cửa thử thách của lịch sử để phấn đấu thắng lợi cái mục tiêu có giá trị muôn thuở đã nung nấu: “Xây dựng nước nhà thành một nước dân chủ, văn minh, không thua kém người”, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản và Lãnh tụ Hồ Chí Minh”.

Đã tròn 40 mùa xuân kể từ khi văn bản đầu tiên về ĐTNN của nước Việt Nam thống nhất ra đời, bài viết như để tưởng nhớ về vị “cha đẻ” của Điều lệ ĐTNN – một trong những kiến trúc sư xuất sắc của nền kinh tế Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Chuyên đề