Cao Bằng đề xuất triển khai sớm cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

(BĐT) - Dù thời gian đầu tư theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam là sau năm 2030, nhưng theo UBND tỉnh Cao Bằng, Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang nhận được sự quan tâm của một số nhà đầu tư trong nước. Để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng tạo đà phát triển cho Tỉnh, UBND tỉnh Cao Bằng vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đẩy nhanh thời gian thực hiện dự án cao tốc này trong giai đoạn 2019 - 2025.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được quy hoạch với chiều dài là 144 km, quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc, thời gian đầu tư sau năm 2030, tổng vốn đầu tư là 47.520 tỷ đồng.

Để đầu tư Dự án, dự kiến sẽ sử dụng khoản tín dụng ưu đãi bên mua 300 triệu USD của Trung Quốc kèm theo các điều kiện về sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc, thiết bị Trung Quốc (tương tự Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông). Tuy nhiên, theo UBND Tỉnh, việc đàm phán để vay nguồn vốn này không thực hiện được do không nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành và dư luận (do điều kiện vay chưa đạt mức ưu đãi, rủi ro về chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư…).

Theo phương án nghiên cứu đầu tư được UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất, hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vẫn cơ bản bám theo hướng tuyến theo quy hoạch được phê duyệt và có xét đến việc tối ưu hóa hướng tuyến để nối vào tuyến đường kết nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam.

Tổng chiều dài theo phương án mới được rút ngắn 29 km so với quy hoạch, còn lại khoảng 115 km. Tổng mức đầu tư dự kiến là 20.939 tỷ đồng.

UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) gồm các nguồn: vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn vay tín dụng và nguồn vốn tham gia của Nhà nước (trung ương và địa phương). Cơ cấu nguồn vốn là: Vốn của nhà đầu tư và vốn vay tín dụng 64% - vốn ngân sách nhà nước 36%.

Để đảm bảo khả năng huy động vốn, tỉnh Cao Bằng phân kỳ đầu tư Dự án làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP. Cao Bằng với chiều dài khoảng 80 km. Tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2022. Giai đoạn 2 đầu tư hoàn chỉnh đoạn tuyến từ Lạng Sơn - TP. Cao Bằng và đầu tư tiếp đoạn tuyến từ TP. Cao Bằng đến Cửa khẩu Trà Lĩnh, thực hiện sau năm 2022.

UBND tỉnh Cao Bằng tính toán, với mức thu phí sử dụng đường bộ cao tốc tương tự như Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và ngân sách địa phương hỗ trợ dự kiến 300 tỷ đồng/năm trong khoảng 10 năm đầu khai thác (giai đoạn doanh thu của Dự án từ nguồn thu phí chưa đảm bảo đủ trả gốc/lãi vay tín dụng), Dự án sẽ hoàn vốn trong khoảng 25 năm; tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) khoảng 11,09%/năm.

UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện Dự án đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước (Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả). Nhà đầu tư này đã đồng ý ứng trước kinh phí thuê tư vấn lập phương án đầu tư, làm cơ sở cho UBND Tỉnh làm việc với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành trung ương để báo cáo Chính phủ.

Do đó, Tỉnh đề nghị Chính phủ chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong giai đoạn 2019 - 2025 theo phương án phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Đồng thời cho phép UBND tỉnh Cao Bằng sử dụng nguồn kinh phí từ bán đấu giá quỹ đất của Tỉnh và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý để tham gia thực hiện Dự án.

Ngoài ra, Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, ngân hàng và nhà thầu trong nước thực hiện Dự án.         

Chuyên đề