Cần rút dần vai trò đầu tư trực tiếp của Nhà nước

(BĐT) - Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện Nhà nước vẫn đầu tư vào nhiều ngành nghề không nên làm, dẫn tới đầu tư phân tán, dàn trải. Do đó, Nhà nước cần rút dần vai trò là nhà đầu tư trực tiếp để nhường chỗ cho khu vực tư nhân (ngoài nhà nước).
Chuyển cho khu vực tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng là một xu thế tất yếu. Ảnh: Tiên Giang
Chuyển cho khu vực tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng là một xu thế tất yếu. Ảnh: Tiên Giang

Xu thế dịch chuyển lĩnh vực đầu tư công

Trên thực tế, ở cả các nước phát triển và đang phát triển, đầu tư của Nhà nước (đầu tư công) vào kết cấu hạ tầng đều có tác động tích cực đối với tăng trưởng. Đầu tư công vào hạ tầng bổ trợ cho đầu tư tư nhân, mang lại tác dụng khuyến khích đầu tư tư nhân. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đầu tư tư nhân thường hiệu quả hơn đầu tư công.

Mặt khác, theo xu thế tất yếu, có sự chuyển biến trong lĩnh vực ưu tiên đầu tư công khi hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng dần được chuyển cho khu vực tư nhân. Khi đó, vốn đầu tư công được dịch chuyển, tập trung vào việc phát triển các dịch vụ công như bảo đảm sự phát triển của giáo dục, y tế và các dịch vụ an sinh xã hội khác.

Cùng với xu thế chuyển dịch lĩnh vực trong đầu tư công, khi khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh thì hình thức đầu tư cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới cho thấy, trong những năm gần đây, tỷ lệ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua hình thức đối tác công tư (PPP) tăng lên đáng kể, mặc dù có sự khác biệt giữa các nước. Tại các nước phát triển, vốn đầu tư của nhà nước vào các dự án PPP trung bình chiếm khoảng khoảng 1% GDP trong năm 2013 (khoảng 5% tổng vốn đầu tư công). Tại các nước đang chuyển đổi và các nước đang phát triển, vốn PPP cũng đã tăng nhanh, trung bình chiếm khoảng 5% GDP và lên đến 9% GDP tại một số nước.

Khi đó, khoản đầu tư của nhà nước được sử dụng như vốn mồi, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển một số ngành chủ đạo trong nền kinh tế. Đầu tư của nhà nước tập trung vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân không muốn hay không thể tham gia.

Tạo cơ hội thực sự cho khu vực tư nhân

Tại Hội thảo “Vai trò Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, những vấn đề về cải cách thể chế giai đoạn 2016 - 2020”, TS. Nguyễn Đình Cung mạnh mẽ bày tỏ quan điểm: “Bán thật mạnh những doanh nghiệp nhà nước không còn hiệu quả, tư nhân hóa hẳn những hoạt động kinh doanh mà Nhà nước không đáng nắm giữ như khách sạn, thương mại, nhà hàng, bán buôn bán lẻ, vận tải”.

Bản chất là thị trường không hề thiếu vốn từ khu vực tư nhân, mà chủ yếu là khu vực tư nhân thiếu lòng tin, thiếu dự án khả thi và thiếu sự bảo đảm khi tham gia đầu tư.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, ngay cả cách đặt vấn đề là “Nhà nước sẽ tập trung đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân không làm được” cũng cần phải xem xét lại. “Thực ra, các doanh nghiệp tư nhân có thể làm được tất cả”, ông Cung nhấn mạnh và cho biết thêm, thậm chí họ làm được những việc lớn hơn cả Nhà nước. Vấn đề là chúng ta có tạo cơ hội cho họ làm không hay đang ngăn chặn họ. “Phải thay đổi tư duy, lựa chọn doanh nghiệp tư nhân để họ tham dự vào phát triển kinh tế một cách phù hợp”, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất.

Trao đổi với Báo Đấu thầu về việc huy động vốn từ khu vực tư nhân, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết: “Kể cả con đường quốc lộ dọc đất nước cũng có thể do doanh nghiệp tư nhân làm”. Khi Nhà nước thực sự công nhận doanh nghiệp tư nhân là trụ cột, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thì chúng ta không cần quá căng thẳng và lo ngại về nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển. Điều quan trọng là chúng ta có xây dựng được cơ chế bảo đảm quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền bảo đảm được thuận lợi trong hoạt động kinh doanh hay không. “Nếu giải quyết được những vấn đề trên thì tự thị trường sẽ có vốn”, TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định.

TS. Nguyễn Minh Phong phân tích thêm, bản chất là thị trường không hề thiếu vốn từ khu vực tư nhân, mà chủ yếu là khu vực tư nhân thiếu lòng tin, thiếu dự án khả thi và thiếu sự bảo đảm khi tham gia đầu tư.

Chuyên đề