Cần làm rõ nguyên nhân doanh nghiệp “khai tử”

(BĐT) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xử lý nội dung báo chí nêu liên quan đến hiện tượng doanh nghiệp lập nhiều nhưng cũng bị "khai tử" nhiều có nguyên nhân từ điều kiện kinh doanh gây khó khăn.
Vấn đề khó nhất là việc kiểm soát những “giấy phép con” của từng ngành, nghề. Ảnh: Nguyễn Ngọc Trí
Vấn đề khó nhất là việc kiểm soát những “giấy phép con” của từng ngành, nghề. Ảnh: Nguyễn Ngọc Trí

Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đây là hiện tượng bất thường, đáng quan tâm và suy nghĩ. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, hiện các đơn vị nghiên cứu, quản lý vẫn chưa có thông tin chính xác về việc doanh nghiệp “khai tử” để đưa ra hướng giải quyết hiệu quả.

“Để xử lý hiệu quả hiện tượng này, cơ quan có thẩm quyền cần có những cơ sở, dữ liệu chính xác để đánh giá chứ không thể dựa trên những phán đoán “mò”, ông Hiếu nhấn mạnh. Theo ông Hiếu, cần làm rõ doanh nghiệp “khai tử” nhiều vừa qua là nằm trong lĩnh vực nào; “tuổi đời” những doanh nghiệp giải thể; lý do giải thể, phá sản? Theo hướng này, khi tiếp nhận các hồ sơ thông báo tạm ngừng hoặc giải thể của doanh nghiệp, các phòng đăng ký kinh doanh tại các Sở Kế hoạch và Đầu tư có thể phát phiếu điều tra làm rõ nguyên nhân doanh nghiệp giải thể. Nếu trường hợp doanh nghiệp “khai tử” vì khó khăn từ điều kiện kinh doanh thì sẽ buộc phải cải cách điều kiện kinh doanh, thậm chí xóa bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý đó.  

Một cán bộ công tác tại cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, cơ quan này luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp gia nhập thị trường cũng như rút lui khỏi thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có 61.276 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 596.200 tỷ đồng, tăng 12,4% về số lượng và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 5.443 doanh nghiệp và 37.907 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đại diện cơ quan này cho rằng, số lượng doanh nghiệp “khai tử” nhiều trong 6 tháng đầu năm cũng là hiện tượng bất thường, cần có những xem xét, đánh giá chính xác.

Theo phân tích của một đại diện cơ quan đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh chỉ là một phần chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp “khai tử”. Trên thực tế, điều kiện kinh doanh cũng đã giảm nhiều, từ 267 xuống còn 243 ngành, nghề. Vấn đề khó nhất là việc kiểm soát những “giấy phép con” của từng ngành, nghề ấy có gây khó khăn cho doanh nghiệp hay không. “Cơ quan chức năng cần có khảo sát để đưa ra những đánh giá chính xác hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn về điều kiện kinh doanh hay về tiếp cận vốn, đất đai…”, đại diện một cơ quan đăng ký kinh doanh gợi ý.

Theo kết quả nghiên cứu của CIEM về điều kiện kinh doanh 2017, số lượng các loại giấy phép kinh doanh mà doanh nghiệp đang phải tuân thủ trong quá trình kinh doanh là 3.407 giấy phép. Con số này theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là hơn 5.719 giấy phép. Nếu phân theo ngành thì ngành công thương có nhiều loại giấy phép kinh doanh nhất, theo CIEM là 700 giấy phép, theo VCCI là 1.220 giấy phép; tiếp đó là ngành tài chính, theo CIEM là 490 giấy phép, theo VCCI là 671 giấy phép; ngành giao thông, theo CIEM là 376 giấy phép còn theo VCCI là 606 giấy phép…

Chuyên đề