“Cẩm nang” cho DN đầu tư ra nước ngoài

(BĐT) - Ngoài thách thức về tuân thủ đúng quy định pháp luật của nước sở tại, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) còn phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường, các công ước quốc tế... 
DN Việt đầu tư ra nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, dễ gặp phải những rủi ro về môi trường, xã hội. Ảnh: Tường Lâm
DN Việt đầu tư ra nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, dễ gặp phải những rủi ro về môi trường, xã hội. Ảnh: Tường Lâm

Hội thảo Đầu tư của DN Việt Nam ra nước ngoài: các rủi ro và thách thức tuân thủ pháp luật (diễn ra ngày 10/1, tại Hà Nội) đã cung cấp “cẩm nang” để giảm thiểu những rủi ro này cho DN, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhận diện những rủi ro, thách thức ngoài pháp lý

Trong các điểm đến đầu tư kinh doanh của DN Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar lần lượt xếp thứ 1, 2 và thứ 8 với tổng vốn đầu tư vào 3 quốc gia này chiếm gần 40% tổng vốn ĐTRNN của DN Việt. Lĩnh vực ĐTRNN chủ yếu là nông, lâm nghiệp, thủy sản vốn là những thế mạnh của Việt Nam.

Tuy nhiên, sự gia tăng đầu tư vào những lĩnh vực này kéo theo nhu cầu về quỹ đất và lực lượng lao động tăng lên. Trong khi đó, theo bà Babeth Ngọc Hân Lefur - Giám đốc Tổ chức phi chính phủ Oxfam tại Việt Nam, sự gia tăng này đã và đang tác động to lớn đến đời sống của người dân địa phương, cả tích cực và tiêu cực. Các dự án đầu tư tạo ra nhiều việc làm mới nhưng cũng khiến địa phương mất đi sinh kế truyền thống; đồng thời đặt ra những vấn đề về bồi thường và hỗ trợ người dân địa phương phát triển sinh kế mới. Những tác động về môi trường và xã hội chưa được giảm thiểu thích đáng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững (PTBV) của các DN và người dân.

Đây là những rủi ro mà nhiều DN không lường trước được khi quyết định ĐTRNN. Chỉ tuân thủ pháp luật của nước sở tại là chưa đủ, bởi còn phải thực hiện theo công ước quốc tế với những tiêu chuẩn quốc tế...

Chia sẻ trải nghiệm thực tế khi đầu tư sang Lào và Campuchia, bà Nguyễn Thị Hải - Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su Đăk Lăk cho biết, Công ty đã gặp vô vàn khó khăn. DN phải tự mày mò tìm hiểu luật pháp, phải tự dịch các văn bản pháp luật, bởi các dịch vụ tư vấn pháp luật ở các nước này còn nhiều hạn chế. Cùng với đó là những khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, những rủi ro về văn hóa và tập tục của người dân bản địa... và cả sự nhận thức, đồng thuận của cán bộ, nhân viên trong Công ty. DN cũng e ngại việc tiếp xúc với các tổ chức phi chính phủ về những đánh giá tác động môi trường tiêu cực...

Thực hành tốt nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm

Để hạn chế những rủi ro này, Oxfam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã xây dựng Bộ hướng dẫn tự nguyện giảm thiểu rủi ro về môi trường - xã hội cho DN Việt Nam ĐTRNN trong lĩnh vực nông nghiệp tại tiểu vùng Mê Kông trên cơ sở kinh nghiệm thực tế của một nhóm DN tiên phong trong lĩnh vực này.

Mục đích của việc xây dựng Bộ hướng dẫn tự nguyện, theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI, là nhằm cung cấp thông tin về quy trình ĐTRNN với từng bước cụ thể, kèm theo những rủi ro môi trường - xã hội tiềm ẩn qua những chính sách và pháp luật liên quan; đồng thời cung cấp các thông tin và địa chỉ hữu ích giúp kết nối các bên nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư.

Không chỉ ủng hộ và đánh giá cao Bộ hướng dẫn tự nguyện này, ông Đinh Trọng Thắng - Trưởng ban Chính sách đầu tư của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn cho rằng, trong thời gian tới cần nâng cấp các quy trình lên thành những tiêu chuẩn, quy chuẩn để giúp phân biệt các DN đầu tư có trách nhiệm. Thậm chí, cần luật hóa các nguyên tắc này trở thành quy định bắt buộc để thúc đẩy sự PTBV của các DN ĐTRNN. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp đưa những thông tin này đến với DN trong quá trình xúc tiến và cấp phép đầu tư, cũng như ghi nhận và công bố công khai những DN làm tốt, từ đó tạo động lực thúc đẩy sự tham gia sâu rộng của các DN.

Ông Đậu Anh Tuấn phân tích: “Khi DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, PTBV là con đường sống còn. Do đó, DN không thể đợi khó khăn đến rồi mới có chuyển động, mà cần chủ động đi trước, vươn lên những chuẩn mực cao hơn của thế giới. Có như vậy mới nâng cao được năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, uy tín với các bạn hàng, đối tác, người lao động, chính quyền nước sở tại cũng như những nhà đầu tư trong tương lai. Phải xem PTBV là một khoản đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế dài lâu cho DN”.

Theo ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN trong việc mở rộng ĐTRNN. Trong đó, xác định rõ những lĩnh vực và địa bàn ưu tiên như lĩnh vực nông nghiệp, các địa bàn có quan hệ kinh tế tương đồng và gắn kết truyền thống như Lào, Campuchia, Myanmar... Thực tế thời gian qua, 3 quốc gia này cũng đã đánh giá rất cao về chất lượng dự án, hiệu quả kinh tế cũng như sự đóng góp của các DN Việt Nam trong an sinh xã hội, xếp thứ hạng cao so với các nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác.

Chuyên đề