Các quỹ ngoại muốn rót vốn vào đâu?

(BĐT) - Lĩnh vực bất động sản và bán lẻ, nhất là thực phẩm, đồ uống, vẫn đang được các quỹ đầu tư ngoại ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet
Ảnh minh họa. Ảnh Internet

“Nóng” bán lẻ, bất động sản

Động thái rót vốn gần đây của các quỹ đầu tư cho thấy ngành bán lẻ và bất động sản vẫn là hai mảng đầu tư cực kỳ sôi động. Đơn cử mới nhất như Tập đoàn Tài chính SynGience (Singapore) rót số vốn 400 tỷ đồng để hợp tác toàn diện cùng Công ty Minh Nguyên Long và Công Ty L&L - LuckyLand đầu tư vào dự án bất động sản DepotMetro Tower - Tham Lương (quận 12, TP.HCM). Dự án này nằm ngay bên cạnh trạm dừng Tham Lương của tuyến Metro số 2.

Hoặc như quỹ đầu tư vốn tư nhân của Nhật Bản là Mizuho Asia Partners. Ltd. mới rót số vốn 9,3 triệu USD vào Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và bánh kẹo Phạm Nguyên. Công ty này hiện là nhà phân phối và bán hàng nội địa qua hơn 52.000 cửa hàng bán lẻ khắp cả nước với doanh thu năm 2015 hơn 500 tỷ đồng.

Ngoài ra, có thể kể tên Quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus (Mỹ), năm 2013 đầu tư vào hệ thống bán lẻ của Vincom Retail và nắm 20% cổ phần, đến năm 2015 tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD. Hoặc gần đây Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) rót 200 triệu USD để hợp tác cùng Tập đoàn An Gia và Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt để phát triển dự án bất động sản River City (quận 7, TP.HCM).

Giới chuyên gia gần đây nhận định ngành bán lẻ Việt Nam đang có sức hấp dẫn rất lớn đối với các quỹ đầu tư ngoại, nhất là theo dự báo 5 năm tới tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ sẽ là 11,9% và sẽ đạt 179 tỷ USD vào năm 2020.
Trong báo cáo gần đây của ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, cũng cho thấy làn sóng rót vốn, mua bán và sáp nhập (M&A) của các nhà đầu tư Thái Lan vào lĩnh vực bán lẻ và bất động sản ở Việt Nam. Đơn cử như các “đại gia” TCC Group, Cetral Group, BJC, Singha Corp, Thai Corporation International (TCI), Thai Siam Cement Group (SGC), The Ton Poh Thailand Fund…

Theo ông Marc Towsend, mặt bằng bán lẻ trong năm 2016 sẽ có những thay đổi đáng kể. Các hoạt động M&A sẽ diễn ra sôi động hơn trong các ngành ẩm thực và siêu thị. Điều đáng nói là các nhà bán lẻ sẽ chuyển sang xây trung tâm thương mại, trong khi các chủ đầu tư trung tâm thương mại sẽ nhảy sang phân phối bán lẻ. Và các chủ đầu tư trung tâm thương mại sẽ nhận ra sự cấp thiết phải tái cấu trúc ngành hàng và cải tạo lại vị trí mặt bằng đẹp để thu hút các thương hiệu bán lẻ tốt nhất.

Giới chuyên gia gần đây nhận định ngành bán lẻ Việt Nam đang có sức hấp dẫn rất lớn đối với các quỹ đầu tư ngoại, nhất là theo dự báo 5 năm tới tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ sẽ là 11,9% và sẽ đạt 179 tỷ USD vào năm 2020.

Theo báo cáo M&A của Stoxplus, số lượng thương vụ M&A (với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư ngoại) vào năm  2014 và 2015 trong lĩnh vực bán lẻ lần lượt là 5 và 15 thương vụ, với giá trị lần lượt là 899 triệu USD và 254 triệu USD.

Chọn lọc để đầu tư

Chia sẻ với giới báo chí tại TP.HCM mới đây, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư Quỹ đầu tư của VinaCapital cho biết, trong cơ cấu danh mục đầu tư của VinaCapital tính đến cuối tháng 3/2016 thì lĩnh vực thực phẩm và đồ uống chiếm đến 24,5%, còn bất động sản và xây dựng đang chiếm 24,3%.

Có thể kể vài cái tên lớn mà VinaCapital đang rót vốn như Vinamilk, Novaland, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)… Theo ông Andy Ho, các ưu tiên đầu tư trong thời gian tới của VinaCapital tập trung vào các lĩnh vực phục vụ thị trường nội địa. Theo đó, thực phẩm và đồ uống được kỳ vọng đạt hiệu quả tốt vì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ lạm phát thấp, khả năng chi tiêu tốt hơn. VinaCapital cũng gián tiếp đầu tư vào bất động sản do thị trường này đang tăng trưởng tốt.

Trong chiến lược của mình, ông Andy Ho cho biết, VinaCapital sẽ có các khoản đầu tư chọn lọc vào bất động sản, tái cấu trúc danh mục bất động sản, tập trung vào các nhà phát triển uy tín thay vì dự án. Ngoài ra, quỹ đầu tư này nhắm vào các cơ hội đầu tư thương lượng vào các doanh nghiệp tư nhân và niêm yết; cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; tập trung vào cổ phần của các công ty niêm yết với nền tảng vững chắc, có cơ hội thực hiện M&A.                

Chuyên đề