Các nước GMS thông qua khung đầu tư trị giá 64 tỷ USD

(BĐT) - Ngày 20/9, Việt Nam với vai trò chủ nhà đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 22. 
Hội nghị Bộ trưởng Chương trình hợp tác kinh tế GMS lần này đã xem xét đưa ra định hướng xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch hành động Hà Nội. Ảnh: Lê Tiên
Hội nghị Bộ trưởng Chương trình hợp tác kinh tế GMS lần này đã xem xét đưa ra định hướng xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch hành động Hà Nội. Ảnh: Lê Tiên

Đây là hội nghị cấp bộ trưởng của 6 nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) được tổ chức thường niên. Hội nghị lần này cũng đánh dấu 25 năm thực hiện sáng kiến Chương trình hợp tác kinh tế GMS.

Tại Hội nghị, các nước GMS đã cùng nhau thảo luận nhiều kế hoạch hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới. Trong đó, Hội nghị đã xem xét đưa ra định hướng xây dựng và hoàn thiện khung kế hoạch hành động 5 năm, còn gọi là Kế hoạch hành động Hà Nội - một kế hoạch có vai trò rất quan trọng nhằm hiện thực hóa Khung chiến lược hợp tác GMS từ nay đến năm 2020. Kế hoạch hành động Hà Nội dự kiến sẽ được lãnh đạo các nước GMS xem xét, thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần 6 được tổ chức vào tháng 3/2018 tại Việt Nam.

Đặc biệt, Hội nghị đã thảo luận và thông qua Khung đầu tư tiểu vùng giai đoạn 2018 - 2022 (RIF 22) bao gồm danh mục khoảng 222 chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật với tổng trị giá khoảng 64 tỷ USD. Đây là danh mục để kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng các đối tác phát triển và khu vực kinh tế tư nhân nhằm giúp các nước GMS hoàn thành các chương trình dự án, ưu tiên quốc gia trong giai đoạn này.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chương trình hợp tác kinh tế GMS là một sáng kiến nổi bật và thành công nhất trong số các sáng kiến về hợp tác và hội nhập khu vực. Các sáng kiến và hoạt động trong chương trình GMS tập trung vào 9 lĩnh vực chính bao gồm: giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, du lịch, bưu chính viễn thông, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn. 25 năm qua, Chương trình đã tạo ra sự kết nối sâu rộng giữa các quốc gia thông qua các dự án kết nối hạ tầng giao thông, điện năng, du lịch, phát triển nông nghiệp…; góp phần tăng cường đáng kể khả năng cạnh tranh của các nước trong Tiểu vùng. Trong thời gian tới, các nước GMS cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển, kêu gọi sự tham gia tích cực của thành phần kinh tế tư nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến Chương trình hợp tác kinh tế GMS. Hiện Chính phủ Việt Nam đang chủ động huy động nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế song phương và đa phương để thực hiện các dự án ưu tiên cao mà Việt Nam tham gia thông qua việc lồng ghép các chương trình, dự án ưu tiên của GMS vào các chương trình tài trợ của các nhà tài trợ nước ngoài. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước GMS, ADB, các đối tác phát triển khác và khu vực tư nhân để thực hiện các mục tiêu Chương trình hợp tác kinh tế GMS đã đề ra.

Chuyên đề