Các doanh nghiệp Mỹ muốn giải quyết vướng mắc trong TPP nhưng dự kiến vẫn ký kết vào 4/2/2016

Những doanh nghiệp lớn của Mỹ ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương nhưng cho rằng vẫn cần có sự điều chỉnh một số nội dung khi về thị trường và sở hữu trí tuệ.
Các doanh nghiệp Mỹ muốn giải quyết vướng mắc trong TPP nhưng dự kiến vẫn ký kết vào 4/2/2016

Thông tin trên được Cơ quan Thương mại của Sandler, Travis & Rosenberg (Bộ Công Thương) đưa ra về khả năng ký kết TPP trong thời gian tới. 

Theo đó, có thêm ba nhóm doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ TPP và cho biết họ hy vọng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ thông qua TPP vào cuối năm 2016. Song các doanh nghiệp này cũng cho rằng cần phải có sự thay đổi quan trọng thì mới đạt được mục tiêu này. 

Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội Sản xuất Quốc gia (của Hoa Kỳ) Jay Timmons đã gọi TPP là “một bước tiến đáng kể” và hiệp định này “sẽ cải thiện đáng kể cơ hội xuất khẩu và kinh doanh các mặt hàng được sản xuất tại Hoa Kỳ” trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. 

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Hội nghị bàn tròn về Kinh doanh quốc tế, ông Tom Linebarger thì lại cho rằng TPP “là một thỏa thuận thương mại đáp ứng nền kinh tế toàn cầu hiện đại, bao gồm các quy định liên quan đến thương mại điện tử, kỹ thuật số, thương mại dịch vụ, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ đầu tư, tiêu chuẩn lao động và môi trường”. 

Còn đối với Chủ tịch và Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ, ông Tom Donohue khẳng định rằng TPP sẽ ảnh hưởng đến “không chỉ khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà cả những hiệp định thương mại khác trong tương lai”. 

Tuy nhiên, cả ba nhóm doanh nghiệp cũng đồng quan điểm rằng TPP vẫn chưa “hoàn hảo” và cần một số cải thiện để được Quốc hội thông qua. Theo đó, nhóm này đưa ra yêu cầu với Nhà Trắng là cần phải làm việc chặt chẽ với các nhóm ngành công nghiệp, các thành viên Quốc hội và chính phủ các nước TPP khác để nhanh chóng giải quyết các “vướng mắc về mặt nguyên tắc” đã được nêu. Trong đó, cần tập trung vào một số ít các vấn đề như tiếp cận thị trường, bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm sinh học và giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ. 

Điều đáng chú ý là lại không có một nhóm doanh nghiệp nào chỉ ra phương hướng giải quyết các vấn đề trên. Các nước đối tác trong TPP nhìn chung đã phản đối ý tưởng đàm phán lại Hiệp định này do không muốn làm thay đổi sự cân bằng của các thỏa thuận đạt được trong đàm phán nhiều năm qua. 

Trong khi đó, 12 quốc gia TPP dự kiến sẽ chính thức ký kết hiệp định vào ngày 04 tháng 02 năm 2016 tại Niu Di-lân. Những người ủng hộ đang hy vọng vào việc các quy định pháp luật mới liên quan tới việc thực thi sẽ được đưa ra tại Quốc hội Hoa Kỳ. 

Thế nhưng, việc ban hành các quy định pháp luật mới không thể được thực hiện cho đến khi Ủy ban Thương mại quốc tế đưa ra báo cáo về các dự đoán ảnh hưởng kinh tế của Hiệp định, việc dự kiến không diễn ra cho đến ít nhất giữa tháng 5 năm 2016. Ngoài ra, các nhà lập pháp đã đưa ra cảnh báo về việc cố gắng thông qua TPP trước phiên bầu cử diễn ra vào tháng 11 năm nay.

Chuyên đề