Cà Mau đề xuất dự án 657 tỷ đồng chống biến đổi khí hậu

UBND tỉnh Cà Mau vừa đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, chấp thuận dự án “Xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển phòng, chống sạt lở do biến đổi khí hậu” là dự án cấp bách, cấp thiết nhất để ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 - 2020.
Sạt lở bờ biển do biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Cà Mau
Sạt lở bờ biển do biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Cà Mau

Cụ thể, theo dự án trên, trong giai đoạn 2016 - 2020, Cà Mau sẽ xây dựng tuyến kè phòng hộ ven biển huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, tổng chiều dài 25 km, cao trình đỉnh kè từ 1,2 m đến 1,6 m. Tiếp đó, tỉnh Cà Mau dự kiến sẽ tiến hành phục hồi và quản lý rừng ngập mặn, trồng mới 250 ha rừng phòng hộ phía sau tuyến kè và 250 ha rừng tái sinh tự nhiên.

Tổng mức đầu tư toàn dự án nêu trên là hơn 657 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã tác động nhanh và mạnh đến Cà Mau. Đê biển Tây của tỉnh Cà Mau thường xuyên đối mặt với nguy cơ sạt lở đất, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của trên 3.600 hộ dân sống trong khu vực. Hiện có khoảng 6,4 km đê biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng; rừng phòng hộ đê biển Tây trước có chiều rộng khoảng 200 m, nhưng do ảnh hưởng bởi quá trình sạt lở, nay chỉ còn khoảng 80 m, thậm chí có đoạn bị sạt lở rất sâu, còn có 30 m. Tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư khắc phục, nhưng do suất đầu tư xây dựng kè sạt lở rất cao, nên việc đầu tư còn hạn chế.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam, đến năm 2050 có khoảng 76% và đến năm 2100 có khoảng 95% diện tích tỉnh Cà Mau có nguy cơ bị ngập nếu như không có các giải pháp, biện pháp hữu hiệu để hạn chế, thích ứng.

Chuyên đề