Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quyết liệt gỡ bỏ rào cản đầu tư

(BĐT) - Trên cương vị là “Tư lệnh” ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ sự thẳng thắn và quyết liệt về việc gỡ bỏ những rào cản đầu tư, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Trước hết, xin chúc mừng Bộ trưởng đã được Quốc hội tín nhiệm với số phiếu rất cao. Xin Bộ trưởng chia sẻ cảm xúc của mình khi đảm nhận nhiệm vụ “Tư lệnh” ngành KH&ĐT?

Đây là vinh dự to lớn cho cá nhân tôi, nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã  thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Đặc biệt, gần đây Bộ KH&ĐT đã thể hiện vai trò tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần tạo đột phá trong cải cách thể chế, tạo dựng lòng tin với người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng thời gian tới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, trên cương vị là người đứng đầu, tôi sẽ phải tiếp tục truyền cảm hứng và khát vọng đến mọi người, tạo môi trường để phát huy hết khả năng của từng cá nhân, đơn vị trong ngành cho sự nghiệp chung của đất nước.

Tôi mong tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành kế thừa truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đã đạt được, đoàn kết nhất trí, năng động sáng tạo, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách để tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tiếp tục cải thiện hiệu quả môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tôi cũng sẽ tham khảo ý kiến từ các chuyên gia trong và ngoài nước để nghiên cứu, phân tích, dự báo nhằm tham mưu, đề xuất cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các ý tưởng và giải pháp tốt nhất. Thời gian tới sẽ còn nhiều thách thức, nhưng cũng sẽ là cơ hội tốt để chúng ta thoát khỏi "cái bẫy" thu nhập trung bình.

Nhân đây, tôi xin được gửi tới Bộ trưởng tiền nhiệm Bùi Quang Vinh lời cảm ơn chân thành vì những đóng góp của ông cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung, sự phát triển của ngành KH&ĐT nói riêng. Trong thời gian tới, tinh thần quyết liệt, thẳng thắn và đổi mới, cải cách của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cũng là những giá trị mà tôi rất tôn trọng, sẽ tiếp tục được khơi dậy.

Ảnh Internet

Điều gì khiến Bộ trưởng trăn trở khi nhậm chức?

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thông qua đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn rất cao, phạm vi điều chỉnh rộng và lộ trình thực hiện ngắn. Điều tôi lo lắng nhất hiện nay là năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta còn thấp. Nếu không cải thiện được tình hình này thì Việt Nam không những không tận dụng được cơ hội từ hội nhập, mà còn đánh mất cả thị trường trong nước.

Thêm vào đó, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa bền vững, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu giữ vững được đà phát triển như hiện nay thì vẫn đạt được mức tăng trưởng trên trung bình và cao hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng nếu tự bằng lòng với chính mình hay ngủ quên trong thành công của quá khứ sẽ rất nguy hiểm. Do đó, tôi nghĩ rằng, chúng ta vẫn cần một số tư duy đột phá mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế. Mục tiêu của tôi trong nhiệm kỳ tới, ngoài việc tham mưu giúp Chính phủ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra tại Đại hội Đảng XII, còn phải nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng một số mô hình kinh tế mang tính hiện đại, cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao. Từ đó có thể tạo ra những cực tăng trưởng mới, thu hút các nguồn vốn quốc tế cho đầu tư dựa trên công nghệ, nghiên cứu phát triển và hình thành nền kinh tế tri thức.

Vậy, xin Bộ trưởng cho biết về nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành thời gian tới?

Kinh tế đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng trong 5 năm qua. Bộ KH&ĐT đã tham mưu góp phần kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp đất nước phát triển ổn định trong bối cảnh phục hồi chậm sau suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, rất nhiều thách thức và rủi ro cũng như những rào cản đầu tư, kinh doanh vẫn còn đó và đang ở phía trước...

Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&ĐT thời gian tới là sẽ tiếp tục đi tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sự thân thiện và an tâm đối với người dân và doanh nghiệp.

Trong nhiệm vụ đó, có việc ngăn cản hoặc bãi bỏ các giấy phép con trái pháp luật và bất hợp lý. Bộ KH&ĐT sẽ chủ động, tích cực đôn đốc các bộ ngành hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh được ban hành trái với Luật Đầu tư. Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát hiện giấy phép bất hợp lý và kiến nghị giải pháp xử lý.

Đẩy mạnh các nhóm giải pháp, chương trình hành động phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; nghiên cứu xây dựng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cùng với đó, sẽ tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; tạo ra chuyển biến căn bản trong việc xây dựng kế hoạch và phân bổ vốn, bảo đảm bố trí vốn tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải và giải quyết cơ bản các dự án dở dang đã tồn tại trong nhiều năm qua.

Bộ KH&ĐT sẽ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các cân đối vĩ mô, trong đó có cân đối về nợ công; phối hợp cùng Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ quản lý chặt chẽ các nguồn nợ công của Chính phủ, của quốc gia trong giới hạn an toàn, bảo đảm khả năng chi trả và quan trọng hơn là phải sử dụng và đầu tư có hiệu quả. Quan điểm chung là không sử dụng các khoản vay nợ cho chi thường xuyên. Nợ công chỉ sử dụng để đầu tư các dự án thực sự hiệu quả, hạn chế tối đa các khoản nợ công của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Chuyên đề