Bộ Giao thông kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sân bay Tân Sơn Nhất

Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ đầu tư nhà ga T3, còn các công trình phụ trợ sẽ kêu gọi nhà đầu tư khác tham gia.
Phương án xây thêm nhà ga T3 về phía nam và các công trình phụ trợ phía bắc của Tư vấn Pháp.
Phương án xây thêm nhà ga T3 về phía nam và các công trình phụ trợ phía bắc của Tư vấn Pháp.

Chiều 29/3, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, sau khi Chính phủ quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía nam, Bộ Giao thông sẽ rà soát, báo cáo Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sân bay và chuẩn bị đầu tư các dự án như đường lăn, nhà ga, sân đỗ và tổ chức giao thông kết nối.

Ông Đông cho rằng, thời gian triển khai các dự án sẽ nhanh vì đều cấp thiết, đất quốc phòng đã có sẵn. Nhà ga T3 sẽ do Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) đầu tư bằng vốn doanh nghiệp. Bộ Giao thông cũng kiến nghị Chính phủ sử dụng vốn của ACV đầu tư đường lăn, sân đỗ và kêu gọi nhà đầu tư khác vào các dự án thích hợp.

Theo phương án được chọn, đơn vị tư vấn đề xuất lấy 36 ha đất quốc phòng, trong khi mới có hơn 16 ha đất được bàn giao. Điều này dẫn đến một số lo ngại về tiến độ dự án. Thứ trưởng Đông khẳng định Bộ Quốc phòng đã đồng ý tiếp tục giao đất theo yêu cầu của Bộ Giao thông để mở rộng sân bay về phía nam. 

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 28/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định chủ trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đề xuất của Công ty Tư vấn ADP-I (Pháp). Theo phương án này, nhà ga hành khách sẽ được xây dựng thêm ở phía nam (cùng phía nhà ga hiện hữu) với diện tích sàn 200.000 m2. Một số công trình phụ trợ sẽ được xây dựng ở phía bắc. Vốn khái toán cho các công trình này là 18.000 tỷ đồng.

Chính phủ giao Bộ Giao thông chủ trì chỉnh sửa quy hoạch, hoàn thiện đề xuất. Bộ cũng có trách nhiệm tìm nguồn vốn và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nhanh chóng khởi công nhà ga mới sớm nhất, nhằm giảm tải sân bay Tân Sơn Nhất đã vượt 44% công suất quy hoạch đến năm 2020.

Chuyên đề