Bịt kín bờ biển - bài học quản lý

(BĐT) - Sự việc người dân Thanh Hóa phản đối thực hiện dự án lấy cả bờ biển đánh cá của dân không phải là trường hợp đặc biệt.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Resort bít đường xuống biển

Đã từng xảy ra nhiều hiện tượng khác ở các vùng bờ biển của nước ta từ cách đây khá lâu. Từ năm 2005, báo chí từng đưa tin hiện tượng “Resort lấn biển, nuốt rừng” ở Đà Nẵng. Cung đường chạy dọc ven biển từ bán đảo Sơn Trà vào Ngũ Hành Sơn thuộc TP. Đà Nẵng dài 23,4 km chen dày các bảng phối cảnh của các dự án resort dựng lên phía khu đất ven biển. Bãi biển thuộc khu di tích Ngũ Hành Sơn cũng được tiến hành phân lô. Các khu resort 100% vốn đầu tư nước ngoài liên tiếp mọc lên án ngữ. Rồi con đường ven biển dài gần 20 km từ Điện Dương, Điện Ngọc vào đến Hội An đã nối đuôi nhau những resort. Từ thập kỷ trước, đất ven biển của Quảng Nam cơ bản đã hết.

Ở một khu du lịch nổi tiếng khác là Mũi Né (Bình Thuận), nhiều năm nay, bãi biển Hàm Tiến, Mũi Né cũng bị các khách sạn, resort lấn hết. Người dân và du khách khó tìm được bãi tắm, thậm chí không có đường xuống biển. Cần Giờ (TP.HCM), rồi Kiên Giang cũng xảy ra tình trạng tương tự. 

Ai giao bãi biển cho nhà đầu tư?

Nguyên nhân hiện tượng này do đâu? Ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa rồi cả Bình Thuận, câu trả lời của chính quyền là không có ai quy hoạch, chuyển giao hay cho phép doanh nghiệp làm chuyện đó. Các doanh nghiệp tưởng bỏ tiền là chiếm được, rồi tạo nên thứ luật bất thành văn bờ biển là của các khu resort.

Như ở Bình Thuận, từ năm 1997, Tỉnh này đã quy hoạch để chừa ra 100 m ven biển cho du khách và người dân cùng được xuống biển. Tuy nhiên, các khu resort, khách sạn tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né xây dựng không theo như quy hoạch đã đề ra và không ai ngăn chặn, xử lý. Buồn hơn là giờ đây, gần như toàn bộ diện tích dọc bờ biển của Bình Thuận đã được giao cho các nhà đầu tư, muốn xử lý cũng không dễ.

Ở TP. Đà Nẵng, người ta cũng khẳng định, không có cơ quan nào giao bãi biển cho các nhà đầu tư và luật cũng không cho phép ai làm điều đó. Một lãnh đạo ngành du lịch còn cho biết, trên thế giới không có nước nào giao bãi biển riêng cho từng nhà đầu tư. Ông còn nói, sẽ tham mưu cho lãnh đạo TP. Đà Nẵng thu hồi một phần diện tích để mở đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xuống biển tắm. Ông Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP. Đà Nẵng cũng từng kiến nghị nên dành nhiều bãi tắm công cộng cho người dân và trả lại không gian cho những làng chài truyền thống. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa đâu vào đâu.

Bịt mặt tiền xuống biển có thể làm lợi cho ai đó, được dự án ngắn mà mất cái xa hơn
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia từng chia sẻ câu chuyện khi Thủ tướng Chính phủ lo lắng Việt Nam sập bẫy thu nhập trung bình như một số nước trên thế giới nên đã tầm sư học đạo, nhờ một chuyên gia kinh tế nổi tiếng của nước ngoài tư vấn. Nói về nguồn lực để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, vị giáo sư kinh tế nọ không nói tài nguyên khoáng sản hay gì gì, mà chỉ nói hai thứ: con người và mặt tiền Biển Đông. Đó là mặt tiền “vĩ đại” mà nhiều quốc gia khao khát có được để làm giàu.

Nhớ lại điều TS. Nghĩa nói, liên hệ với chuyện bịt mặt tiền bờ biển để nhường cho resort, khách sạn quả là bài học đắng về quy hoạch và quản lý. Bịt mặt tiền xuống biển có thể làm lợi cho ai đó, được dự án ngắn mà mất cái xa hơn, lớn hơn là tiềm năng du lịch, là vẻ đẹp của những bờ biển chung.             

Chuyên đề