Bảo vệ nhà đầu tư BT trước rủi ro chính sách

(BĐT) - Đối với các nhà đầu tư đã ký hợp đồng dự án BT trước ngày 1/1/2018, Nghị quyết 160/NQ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) của Chính phủ ban hành ngày 28/12/2018 có lẽ đã giúp giải tỏa nhiều lo lắng và cả nguy cơ thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. 
Dự án BT được ký kết trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán được tiếp tục thanh toán theo nội dung hợp đồng BT đã ký kết. Ảnh: Tiên Giang
Dự án BT được ký kết trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán được tiếp tục thanh toán theo nội dung hợp đồng BT đã ký kết. Ảnh: Tiên Giang

Bởi vì nhà đầu tư đã được bảo vệ quyền lợi trước sự thay đổi của chính sách.

Sau Công văn số 3515/BTC-QLCS ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính, các dự án BT trên cả nước phải tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, nghị định này chậm ban hành, tạo khoảng trống pháp lý khiến các dự án đang và chuẩn bị triển khai trên cả nước năm 2018 bị đình trệ.

Hơn nữa, ngay cả với những dự án đã ký hợp đồng trước thời điểm 1/1/2018, thậm chí đã hoàn thành công trình BT, nhiều địa phương cũng không dám quyết việc bàn giao quỹ đất thanh toán. Ví dụ như trường hợp của Cienco 4 tại Dự án Cầu Hiếu 2, dù nhà đầu tư đã tự bỏ vốn 100% để hoàn thiện cầu này theo yêu cầu, nhưng khi công trình đã hoàn thiện, việc đổi đất lại bị tạm dừng khiến nhà đầu tư ngoài việc phải chịu lãi suất ngân hàng mỗi ngày, còn bị lỡ mất nhiều cơ hội sớm đầu tư đồng bộ hạ tầng, phân lô bán nền trên quỹ đất đối ứng để thu hồi vốn. 

Nhiều nhà đầu tư cho rằng các hợp đồng BT được ký đúng theo quy định của pháp luật và nếu những thay đổi chính sách sau đó khiến việc thực thi hợp đồng bị dừng lại sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến niềm tin vào sự an toàn của môi trường đầu tư, bởi vì, sự thay đổi chính sách là rủi ro ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư. 

Với Nghị quyết 160, Chính phủ đã làm an lòng nhà đầu tư. Nghị quyết nêu rõ việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo nội dung hợp đồng BT đã ký kết, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan đang có hiệu lực tại thời điểm ký kết hợp đồng BT.

Đối với các hợp đồng BT được ký kết từ ngày 1/1/2018, trong đó có điều khoản sử dụng tài sản công để thanh toán, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại nội dung của hợp đồng đảm bảo tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan. Trường hợp nội dung hợp đồng BT phù hợp với quy định của pháp luật thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo quy định của hợp đồng BT; trường hợp nếu có nội dung chưa phù hợp với các quy định của pháp luật thì phải đàm phán điều chỉnh lại nội dung hợp đồng BT cho phù hợp với các quy định pháp luật nêu trên.

Đối với các dự án BT đã hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng chưa ký hợp đồng BT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng BT đảm bảo tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan.

Như vậy, với Nghị quyết 160, bản hợp đồng đã ký trước khi có luật mới đã được tôn trọng. Chính phủ cũng đã thể hiện nguyên tắc không hồi tố khi áp dụng quy định của pháp luật, củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Về lâu dài, theo nhiều chuyên gia, để tránh việc bị đình trệ như đối với dự án BT thời gian qua, thì với dự án PPP, cần theo nguyên tắc tuân thủ hợp đồng - coi hợp đồng là “luật” của mỗi dự án. Các dự án PPP, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, áp dụng các loại hợp đồng khác như BOT thường có thời gian thực hiện hợp đồng dài, trung bình khoảng 20 năm, rủi ro thay đổi chính sách là rất lớn, vì thế bản hợp đồng phải được tôn trọng cao nhất để nhà đầu tư yên tâm. Còn khi soi lại hợp đồng, nếu sai so với quy định của pháp luật khi ký hợp đồng thì các bên ký hợp đồng phải chịu trách nhiệm.

Để an toàn hơn cho nhà đầu tư, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, do tính ổn định của quy định pháp luật về PPP chưa cao vì mới ở tầm nghị định, cần quy định rõ ràng điều khoản chuyển tiếp khi thực hiện chính sách mới là những quy định bất lợi cho nhà đầu tư thì áp dụng nguyên tắc không hồi tố của pháp luật, tuân thủ theo hợp đồng đã ký. Đồng thời, cơ quan nhà nước cũng phải có bảo đảm thực hiện hợp đồng, hoặc thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi phía Nhà nước không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng.

Chuyên đề