Bắc Giang chủ yếu chỉ định nhà đầu tư dự án BT

(BĐT) - Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 15 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) áp dụng loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Đa số các dự án BT đều do nhà đầu tư đề xuất. Các nhà đầu tư trúng thầu chủ yếu bằng hình thức chỉ định nhà đầu tư.
Tính đến ngày 21/9/2018, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 15 dự án BT đang được triển khai thực hiện. Ảnh: Nhã Chi
Tính đến ngày 21/9/2018, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 15 dự án BT đang được triển khai thực hiện. Ảnh: Nhã Chi

Đa số dự án BT do nhà đầu tư đề xuất

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 21/9/2018, trên địa bàn Tỉnh đang triển khai thực hiện 15 dự án PPP theo hợp đồng BT. Trong đó, có 2 dự án đã thi công cơ bản hoàn thành; 4 dự án đã lựa chọn xong nhà đầu tư, đang làm thủ tục phê duyệt bản vẽ thiết kết thi công; 1 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đang hoàn thiện bước phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư; và 8 dự án khác đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Về cơ bản, việc triển khai thực hiện các dự án BT trên địa bàn Tỉnh có những thuận lợi. Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành liên quan thì sự ấm lên của thị trường bất động sản đã giúp nguồn lực thanh toán từ quỹ đất của Tỉnh đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư với các dự án.

Tuy nhiên, Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang cũng đánh giá, quá trình triển khai dự án PPP theo hợp đồng BT còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, hành lang pháp lý để triển khai dự án BT còn nhiều bất cập, chồng chéo. Hiện các quy định về PPP chỉ dừng ở Nghị định, chịu sự tác động rất nhiều luật liên quan như: Luật Xây dựng; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;... “Luật Đất đai yêu cầu đối với các khu đất đã giải phóng mặt bằng phải đấu giá, nhưng theo quy định Nghị định 15/2015/NĐ-CP là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai. Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước do Sở KH&ĐT cấp, nhưng theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do UBND tỉnh cấp…”, Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang dẫn chứng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai các dự án BT thực hiện theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, các nghị định này quy định chung cho tất cả các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Việc xác định phương án tài chính dự án, điều kiện thực hiện dự án khác, xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa quy định rõ ràng nên gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện đối với dự án BT. Ngoài ra, việc xác định lãi vay trong phương án tài chính của dự án theo Thông tư 75/2017/TT-BTC ngày 21/7/2017 của Bộ Tài chính đến nay còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án BT, Bắc Giang cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định giá trị quỹ đất để thanh toán dự án BT.

Lý giải thực trạng đa số dự án BT trên đại bàn được chỉ định nhà đầu tư, Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, đa số các dự án BT trên địa bàn đều do nhà đầu tư đề xuất lập đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Do đó, khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện thì các nhà đầu tư khác không dám tham gia, do lo ngại không nghiên cứu kỹ dự án, dễ trượt thầu. Điều này dẫn đến tình thế đa số cuộc sơ tuyển chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu và theo quy định thì được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư. Đơn cử như: Dự án Xây dựng cầu Đồng Sơn và đường lên cầu; Dự án Xây dựng đường trục thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; Dự án Xây dựng đường trục Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa - Khu trung tâm thị trấn Kép mở rộng… 

Cần thiết ban hành Luật về PPP

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang, trong giai đoạn vừa qua, trên địa bàn Tỉnh đã thực hiện 2 cuộc kiểm tra, thanh tra đối với dự án PPP. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang thực hiện thanh tra đối với Dự án Cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu. Một số kết luận công bố đã chỉ ra còn tồn tại khi triển khai các dự án này như: việc triển khai hai dự án này là chưa chặt chẽ; cần bổ sung tiền thuê đất,…
Với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án PPP nêu trên, Sở KH&ĐT Bắc Giang đề xuất một số giải pháp khắc phục.

Về thể chế có 3 giải pháp lớn. Đầu tiên là cần sớm ban hành Luật PPP. Khi Luật được ban hành sẽ là hành lang pháp lý cao nhất để triển khai các dự án BT, giảm thiểu tối đa sự tác động của các luật liên quan. Hai là, cần thiết ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công làm cơ sở thanh toán các dự án BT đang dở dang. “Việc chậm ban hành sẽ làm tăng lãi vay dự án, tăng tổng vốn đầu tư”, Sở KH&ĐT Bắc Giang nhấn mạnh. Ba là, cần thiết sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 63/2018/NĐ-CP để địa phương dễ dàng triển khai thực hiện.

Đối với giải pháp về tổ chức thực hiện, Sở KH&ĐT Bắc Giang cho rằng, việc lập chủ trương đầu tư cần được giao cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, hạn chế tối đa dự án do nhà đầu tư đề xuất. Việc này sẽ giúp các nhà đầu tư có cùng một mặt bằng nghiên cứu dự án, từ đó có thể tham gia dự thầu lựa chọn nhà đầu tư một cách công bằng, công khai và minh bạch.

Chuyên đề