Xem nhẹ việc nhỏ, nhà thầu hứng “trái đắng”

(BĐT) - Chỉ vì những sai sót không đáng có mà nhiều nhà thầu bị loại khỏi cuộc thầu. Đây không còn là câu chuyện mới, nhưng đến nay, nhiều nhà thầu vẫn mắc phải. Trong những sai sót đó, có những nguyên nhân đến từ chính nhà thầu.
Tại gói thầu mua xe chữa cháy do Cục Cứu hộ - Cứu nạn mời thầu mới đây, HSDT của một nhà thầu không được mở vì cho rằng có “lỗi” niêm phong. Ảnh: Nhã Chi
Tại gói thầu mua xe chữa cháy do Cục Cứu hộ - Cứu nạn mời thầu mới đây, HSDT của một nhà thầu không được mở vì cho rằng có “lỗi” niêm phong. Ảnh: Nhã Chi

Trong thời gian gần đây, phóng viên Báo Đấu thầu đã nhiều lần chứng kiến sự lúng túng của nhân viên nhà thầu được cử đi dự lễ mở thầu. Đơn cử như tại Lễ mở thầu một gói thầu mua xe chữa cháy, một nhà thầu bị bên mời thầu loại ngay, không được mở HSDT vì cho rằng có “lỗi” niêm phong. Mặc dù đây là lý do loại nhà thầu rất vô lý, nhưng tại Lễ mở thầu, nhân viên được nhà thầu cử đi tham dự Lễ mở thầu không biết cách phản ứng thế nào để bảo vệ kịp thời quyền lợi chính đáng của mình.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện nhà thầu này bày tỏ lấy làm tiếc về sự việc này. Nhân viên của Công ty do không nắm vững quy định của pháp luật về đấu thầu nên vẫn ký vào Biên bản mở thầu và không có ý kiến phản biện gì, điều này có nghĩa là nghiễm nhiên thừa nhận việc bắt lỗi này của bên mời thầu là đúng. Đây cũng chính là lý do để bên mời thầu “bật lại” nhà thầu sau này, khiến nhà thầu rơi vào tình thế bất lợi.

Tương tự, ở một số lễ mở thầu gói thầu cung cấp thuốc, nhân viên của nhiều nhà thầu tham dự đã chia sẻ rất chân thành với phóng viên Báo Đấu thầu rằng, họ không biết gì về quy định của pháp luật đấu thầu. Họ được cử đi tham dự Lễ mở thầu chỉ để kiểm tra niêm phong, xác nhận tên tuổi, bảo đảm dự thầu... của hồ sơ dự thầu (HSDT). Thậm chí, họ chỉ là “diễn viên đóng thế”, vì cán bộ phụ trách đấu thầu có việc bận...

Theo một chuyên gia tư vấn đấu thầu giàu kinh nghiệm, chỉ vì sự chủ quan và mắc những lỗi nhỏ mà có thể dẫn đến trượt thầu là điều rất đáng tiếc cho các nhà thầu. Thực tế, có nhiều nhà thầu thường chỉ chăm chăm chuẩn bị HSDT sao cho thật tốt, mà bỏ qua những chi tiết nhỏ phát sinh tại lễ mở thầu. Tuy nhiên, có những chi tiết có thể biến thành “con dao sắc” gây bất lợi cho nhà thầu.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều bên mời thầu đã tận dụng tối đa sơ hở của nhà thầu để bằng mọi cách loại được nhà thầu, chỉ vì họ là “nhà thầu lạ”. Những sai sót của nhà thầu được các chủ đầu tư sử dụng nhiều ở khâu niêm phong HSDT, sơ sẩy trong đơn dự thầu, giấy ủy quyền...

Một số nhà thầu tham dự lớp học về đấu thầu chia sẻ, do không hiểu biết và nắm vững kiến thức về đấu thầu, nên khi bên mời thầu cố ý quy định sai và thực hiện sai, thì nhà thầu cũng không biết. Khi học xong thì họ mới vỡ lẽ ra nhiều điều, nhận ra mình bị bên mời thầu “dắt mũi”.

Muốn vượt qua được những trở ngại, rào cản mà bên mời thầu đặt ra, theo một chuyên gia đấu thầu, trước tiên, nhà thầu phải nắm vững kiến thức pháp luật về đấu thầu, từ người lập HSDT cho đến người cầm HSDT đi nộp và tham dự Lễ mở thầu.

Và mặc dù nhà thầu là đối tượng mà pháp luật không bắt buộc phải có chứng chỉ đấu thầu cơ bản, nhưng theo lời khuyên của vị chuyên gia nêu trên, nhà thầu nên đi học, nhất là những người tham gia chuẩn bị HSDT. Một là để cập nhật những kiến thức cơ bản về đấu thầu, để tránh xảy ra những lỗi, sai sót không đáng có. Hai là biết cách để làm sao có khả năng trúng thầu cao nhất. Đôi khi HSDT làm rất tốt, chuẩn bị công phu cả về phần kỹ thuật và tài chính, nhưng lại để xảy ra những sai sót ở những khâu đơn giản dẫn đến nhiều bất lợi cho nhà thầu trong quá trình tham gia cuộc thầu.

Chuyên đề