“Vòi bạch tuộc” của các “ông lớn”

(BĐT) - Câu chuyện nhà thầu là doanh nghiệp cấp vừa, lớn vẫn lấn sân để tranh thị phần với những nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ có nhiều điều để nói. Chiêu thức tinh vi của nhiều “ông lớn” khi “đá nhầm sân” đã khiến nhiều nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ không thể phát triển được.
Nhiều gói thầu xây lắp không quá 5 tỷ đồng vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp vừa và lớn. Ảnh: Tường Lâm
Nhiều gói thầu xây lắp không quá 5 tỷ đồng vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp vừa và lớn. Ảnh: Tường Lâm

Át chủ bài: Công ty con

Báo cáo kết quả kinh doanh và phương hướng thực hiện năm 2017 của Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn vừa được công bố cho thấy, các gói thầu quy mô nhỏ vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của “ông lớn” này. Trong Báo cáo, chính nhà thầu này cho biết, doanh thu thực hiện 8 tháng cuối năm 2016 đạt hơn 756 tỷ đồng; đã trúng hàng loạt công trình có giá trị lớn tạo nguồn chuyển tiếp sang năm 2017. Báo Đấu thầu cũng từng thông tin về việc nhà thầu này liên tục trúng nhiều gói thầu quy mô lớn trong thời gian qua tại TP.HCM.

Để đối phó với quy định không được tham gia thực hiện các gói thầu xây lắp có giá trị dưới 5 tỷ đồng theo Nghị định 63/NĐ-CP của Chính phủ, Công ty Công trình giao thông Sài Gòn “chỉ cố gắng khai thác được mảng cho thuê xe máy thiết bị”. Không  dừng lại ở đó, Công ty Công trình giao thông Sài Gòn thẳng thắn thông tin về việc hoàn tất thành lập công ty con “nhằm mở rộng khai thác thị trường và đảm nhận thực hiện các công trình có giá trị nhỏ hơn 5 tỷ đồng mà Công ty không thực hiện được theo Nghị định 63”. Trong các giải pháp kinh doanh năm 2017 được đề ra, Công trình giao thông Sài Gòn cũng không ngại ngần cho biết sẽ “phát huy vai trò của công ty con trong việc tham gia thực hiện các công trình có giá  trị nhỏ hơn 5 tỷ đồng”.

Với tham vọng này, Công trình giao thông Sài Gòn - vốn dĩ đã bao thầu gần như các gói thầu dịch vụ công ích giao thông đường bộ quy mô lớn và vừa tại TP.HCM, nhiều khả năng sẽ thâu tóm hết những gói thầu chỉ dành cho các nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ bằng con bài “công ty con”. “Thật chỉ có tìm đường sinh kế khác hoặc đem quân đi đấu thầu ở địa phương lân cận thôi”, một nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ chia sẻ với Báo Đấu thầu khi tiếp nhận được những thông tin trên.

Đây không phải trường hợp cá biệt, mà có thể nói là còn rất nhiều nhà thầu “không chịu lớn”, tìm cách “lách” luật. Khi Sở Giao thông vận tải TP.HCM công bố danh sách những nhà thầu có năng lực thi công vượt yêu cầu, Báo Đấu thầu đã tiếp cận với hai nhà thầu khá có tiếng trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Thật trớ trêu, thay vì chia sẻ kinh nghiệm trong việc thi công tốt, cả hai nhà thầu đồng loạt than thở: “Bọn anh phải làm sao để tham gia được những gói thầu quy mô nhỏ đây? Quy mô của bọn anh giờ không thể tham gia thị phần này nữa. Nhưng quả thật, bọn anh phải tìm bằng được cách để giành lại thị phần”.

Hổng từ nhiều khâu

Theo chia sẻ của một số tư vấn đấu thầu, nhà thầu là doanh nghiệp quy mô vừa, lớn đã bằng nhiều chiêu thức len lỏi, thâu tóm nhiều gói thầu mà theo quy định của pháp luật về đấu thầu chỉ dành cho các nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ, siêu nhỏ. Rất nhiều tư vấn đấu thầu đã bày tỏ băn khoăn khi cho biết, trước khi tổ chức đấu thầu, chủ đầu tư đã “làm công tác tư tưởng” để làm sao các nhà thầu “đã lớn” vẫn được “đá cùng sân” với những nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ, và ưu ái để các “ông lớn” này trúng thầu.

“Có nhiều cách để các nhà thầu là doanh nghiệp vừa, lớn lọt vào sân của nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ. Đó có thể là dự thầu với tư cách công ty con; là xí nghiệp trực thuộc hoặc ngang nhiên đứng tên chính của nhà thầu. Nếu chủ đầu tư lẫn bên mời thầu đều nhắm mắt cho qua, tạo kẽ hở để đấu chung sân rồi thì việc còn lại chỉ là sắp xếp ổn thỏa với các nhà thầu khác”, đại diện một đơn vị tư vấn đấu thầu cho biết.

Việc kiểm tra dữ liệu nhà thầu để xác định một nhà thầu “nhỏ mà không nhỏ” nào đó chỉ là sân sau của “ông lớn” đối với bên mời thầu là không khó. Các đơn vị tư vấn cho rằng, nếu là công ty con hay xí nghiệp trực thuộc thì hồ sơ dự thầu, phần nhân sự cũng như thiết bị được chào hoàn toàn là sở hữu của doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, ít khi những vụ việc này bị xử lý, bởi từ đầu đến cuối đã được dàn dựng, sắp xếp. Thiệt thòi nhất vẫn là các nhà thầu thực sự là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Và vốn dĩ các nhà thầu thực sự là doanh nghiệp nhỏ lại thường ít thông tin, ngại va chạm. Thậm chí đôi lúc họ còn không hiểu hết được khi quyền lợi chính đáng của mình bị ảnh hưởng thì cần những bước kiến nghị như thế nào. Chính vì vậy, những chiêu gian lận của những nhà thầu là doanh nghiệp vừa và lớn vẫn còn đất sinh sôi.

Chuyên đề