Vì sao giá trúng thầu bị đẩy lên cao?

(BĐT) - Theo các chuyên gia, chính việc xây dựng và phê duyệt giá gói thầu không chính xác (bị đội lên cao) là nguồn gốc, kẽ hở để nảy sinh ra những tiêu cực trong đấu thầu. 
Nhà thầu cho biết có chủ đầu tư “gửi” tới 20 - 30% trong giá trúng thầu. Ảnh: Lê Tiên
Nhà thầu cho biết có chủ đầu tư “gửi” tới 20 - 30% trong giá trúng thầu. Ảnh: Lê Tiên

Trường hợp có sự “bắt tay” giữa nhà thầu và chủ đầu tư/bên mời thầu nhằm đẩy giá trúng thầu lên cao để ăn chia lợi nhuận… đã làm cho giá trúng thầu cao hơn giá thị trường và mỗi nơi một kiểu. 

Khi giá gói thầu bị “hớ”

Thực tế kết quả đấu thầu thời gian qua đã cho thấy, có không ít gói thầu mà giá trúng thầu chưa đầy một nửa giá gói thầu. Qua khảo sát ý kiến, một số chủ đầu tư/bên mời thầu cho rằng, việc xây dựng giá gói thầu của họ đều dựa trên định mức, đơn giá của Nhà nước, còn vì sao giá trúng thầu thấp “bất thường” so với giá gói thầu có thể là do chiến lược kinh doanh, tính cạnh tranh của các nhà thầu lớn nên nhà thầu giảm sâu giá dự thầu. Trong khi đó, một số chủ đầu tư lại thừa nhận rằng, việc lập dự toán, xây dựng và trình duyệt giá gói thầu của họ thiếu chính xác. Chẳng hạn, khi xây dựng giá gói thầu, họ đã tham khảo báo giá của các nhà sản xuất mặt hàng đó ở Nhật, Đức, Hàn Quốc nhưng trong quá trình lựa chọn nhà thầu, có nhà thầu chào đúng mặt hàng đó nhưng lại sản xuất ở Trung Quốc nên giá rẻ hơn rất nhiều, điều này đã tạo ra khoảng cách khổng lồ giữa giá gói thầu và giá trúng thầu.

Đại diện một bên mời thầu chia sẻ, khi xây dựng giá gói thầu, bên mời thầu này cố gắng đẩy khung giá cao hơn mức trung bình để trong quá trình tổ chức đấu thầu dễ bề lựa chọn được nhà thầu, không bị ảnh hưởng nếu thị trường có những dao động lớn về giá. Nếu xây dựng giá gói thầu sát với giá thị trường thì khi thị trường có biến động lớn về giá, với giá cũ sẽ không chọn được nhà thầu nên phải làm các thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt lại giá gói thầu, gây mất thời gian, phải giải trình nhiều cấp… 

Chủ đầu tư “gửi” phần trăm trong giá trúng thầu

Để có thể từng bước hạn chế những tiêu cực trong đấu thầu, thì ngay ở khâu lập, thẩm định và phê duyệt dự toán phải làm chặt và chính xác
TS. Nguyễn Việt Hùng – chuyên gia về đấu thầu phân tích, việc xây dựng giá gói thầu đều do chủ đầu tư làm và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (giá gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu). Chủ đầu tư cũng là người phê duyệt dự toán gói thầu. Vì thế, nếu chủ đầu tư không có tâm, thiếu trách nhiệm đối với công tác đấu thầu, trong chi tiêu tiền của Nhà nước thì hoàn toàn có thể “thổi” giá gói thầu lên, móc ngoặc với nhà thầu để chia chác lợi nhuận…

Một nhà thầu than thở với phóng viên rằng, hiện nay không ít chủ đầu tư đặt vấn đề gửi phần trăm trong giá trúng thầu của nhà thầu, thậm chí có chủ đầu tư gửi tới 20 - 30% trong giá trúng thầu. Nhà thầu cho biết, việc gửi giá của chủ đầu tư khiến nhà thầu gặp khó trong việc xoay xở vì tiền vào tài khoản của nhà thầu thì bị đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, nhà thầu lại phải hợp thức hóa các khoản tiền bằng các hóa đơn, chứng từ… Mà tâm lý của chủ đầu tư khi gửi 20 - 30% giá trúng thầu thì muốn lấy trọn chừng ấy tiền chứ không hiểu là để lấy được chừng ấy tiền, quy trình, thủ tục khó khăn như thế nào. Còn nếu nhà thầu không đồng ý để chủ đầu tư gửi phần trăm đó thì cơ hội trúng thầu sẽ tuột khỏi tay, chủ đầu tư sẽ chấp nhận chọn nhà thầu nào đáp ứng được yêu cầu này của họ.

Một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, để có thể từng bước hạn chế những tiêu cực trong đấu thầu, thì ngay ở khâu lập, thẩm định và phê duyệt dự toán phải làm chặt và chính xác, cần nâng cao trách nhiệm của các cán bộ liên quan đến quy trình xây dựng và duyệt giá gói thầu, tránh để xảy ra những lỗ hổng tiêu cực thì công tác đấu thầu mới từng bước minh bạch và cạnh tranh được.

Chuyên đề