Ưu đãi nhà thầu là DN nhỏ và yếu thế: Hiệu quả từ góc nhìn nhân văn

(BĐT) - Trong 4 tiêu chí chung của công tác đấu thầu là minh bạch, cạnh tranh, công bằng và hiệu quả, tiêu chí thứ tư “hiệu quả” không đơn thuần là tỷ lệ tiết kiệm hay yếu tố kinh tế. 
Doanh nghiệp nhỏ thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng là doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 20 tỷ đồng trở xuống . Ảnh: Minh Yến
Doanh nghiệp nhỏ thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng là doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 20 tỷ đồng trở xuống . Ảnh: Minh Yến

Trong trường hợp ưu đãi cho nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ, yếu thế, thì hiệu quả cần được nhìn theo tính nhân văn được phát huy, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Phù hợp nhất chứ không phải xuất sắc nhất

Tại một cuộc làm việc giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các nhà tài trợ về hài hòa thủ tục trong đấu thầu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định về đấu thầu của Việt Nam, chúng tôi rất ấn tượng trước ý kiến của một chuyên gia quốc tế về đấu thầu cho biết, để tạo điều kiện việc làm phù hợp cho người lao động, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, quy định về đấu thầu cần chú trọng tạo ra cơ hội tiếp cận việc làm thông qua thị trường mua sắm công cho các nhóm yếu thế theo hướng có cơ chế để lựa chọn nhà thầu phù hợp nhất, chứ không phải nhà thầu xuất sắc nhất.

Vị chuyên gia nêu trên ví dụ: “Nếu tôi cần chọn nhà thầu thi công một tuyến cao tốc, tôi sẽ chọn nhà thầu có kinh nghiệm và năng lực hạng xuất sắc trong lĩnh vực này. Nhưng khi tôi chỉ cần một nhà thầu vá lại vài lỗ thủng trên một đoạn đường, tôi sẽ chọn một nhà thầu chỉ cần biết vá đường, không cần chọn nhà thầu hạng xuất sắc kia. Nói đơn giản là trong trường hợp này, tôi chỉ cần một người có năng lực phù hợp, chứ không đến mức cần một người có năng lực xuất sắc”.

Trên thực tế, một số chủ đầu tư vì mong muốn có được nhà thầu có năng lực tốt nhất thực hiện gói thầu để yên tâm rằng công trình đạt tiến độ và chất lượng cao nên có tâm lý e ngại lựa chọn các nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ, yếu thế, xây dựng HSMT, đánh giá HSDT theo hướng chọn nhà thầu “xuất sắc nhất” chứ không phải “phù hợp nhất”. 

Tuân thủ pháp luật và sự công tâm

Ưu đãi nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và yếu thế là một chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này có cơ hội cọ xát, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là việc làm cần thiết để các doanh nghiệp nhỏ có thêm “đất dụng võ” trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 14 Luật Đấu thầu, nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ là đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp. Và Nghị định 63/2014/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể: “Đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đấu thầu”. Bên cạnh ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ, Luật Đấu thầu cũng dành ưu đãi cho các nhà thầu là doanh nghiệp “yếu thế” trong xã hội, đó là nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là nữ giới; nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật được hưởng ưu đãi khi đấu thầu.

Theo quy định, doanh nghiệp nhỏ thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng là doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 20 tỷ đồng trở xuống hoặc có số lao động từ 10 người đến 200 người. Tuy nhiên, trên thực tế, có những doanh nghiệp có vốn điều lệ lên tới gần trăm tỷ đồng (quy mô vốn của doanh nghiệp loại vừa) nhưng vẫn trúng gói thầu xây lắp dành cho doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ chỉ vì HSDT kê khai doanh nghiệp có số lao động dưới 200 người. Đáng chú ý là có những doanh nghiệp từng trúng thầu rất nhiều gói thầu xây lắp lớn hàng trăm tỷ đồng vẫn “tự khai” là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ thông qua tiêu chí về lao động dưới 200 người, rồi trúng thầu nốt cả những gói thầu xây lắp dưới 5 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, với những doanh nghiệp “đã đủ mạnh mà còn giả vờ yếu”, các nhà thầu là doanh nghiệp đã lớn mạnh vẫn cố tình khai man hồ sơ để tước đi cơ hội việc làm của các nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và yếu thế, nếu chủ đầu tư, bên mời thầu thực sự công tâm thì có thể xác minh và loại nhà thầu “đá nhầm sân” này, giành lại thị phần công việc cho các nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ, những doanh nghiệp yếu thế có cơ hội được lớn dần.

Vị chuyên gia nêu trên nhấn mạnh: “Chủ trương ưu đãi doanh nghiệp nhỏ là một chủ trương hết sức nhân văn và rất phù hợp với bối cảnh của nước ta. Song, pháp luật dù có tốt đến mấy, nếu người thực hiện không công tâm thì thật khó để đạt được mục tiêu cao cả mà pháp luật hướng tới”.

Chuyên đề