Tuyên Quang: 10 chủ đầu tư vi phạm về báo cáo đấu thầu

(BĐT) - Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Tuyên Quang cho biết, đã có 10 chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh này không báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2016 theo quy định.
Còn không ít chủ đầu tư, đơn vị chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về báo cáo công tác đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên
Còn không ít chủ đầu tư, đơn vị chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về báo cáo công tác đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên

10 chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang không thực hiện trách nhiệm báo cáo về đấu thầu gồm UBND thành phố Tuyên Quang; UBND các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Na Hang và Lâm Bình; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội; Sở Nội vụ; Trường Đại học Tân Trào; HĐND tỉnh Tuyên Quang.

Trước đó, thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu ở Trung ương, ngày 27/12/2016, Bộ KH&ĐT đã có Văn bản số 10702/BKHĐT-QLĐT đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ; các cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty 91 báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2016. Văn bản này của Bộ KH&ĐT cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về Bộ trước ngày 16/02/2017 để kịp tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ theo quy định, nên Bộ KH&ĐT đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan hợp tác chặt chẽ để gửi báo cáo đúng thời hạn và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc chậm trễ (nếu có). Bộ KH&ĐT cũng cho biết, dù Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ trách nhiệm báo cáo công tác đấu thầu của các tổ chức, cá nhân liên quan, song thời gian qua, công tác này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc tại một số bộ, ngành, địa phương.

Các đơn vị không thực hiện báo cáo về đấu thầu theo quy định đã thể hiện việc chấp hành không nghiêm, thờ ơ và thậm chí là coi thường pháp luật về đấu thầu.
TS. Nguyễn Việt Hùng – chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc các chủ đầu tư, đơn vị bộ, ngành, địa phương không thực hiện báo cáo về đấu thầu theo quy định đã thể hiện việc chấp hành không nghiêm, thờ ơ và thậm chí là coi thường pháp luật về đấu thầu. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn, có những hình thức xử phạt, xử lý mạnh hơn để đảm bảo tính răn đe, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đấu thầu. Từ đó mới dần đưa hoạt động về đấu thầu đi vào nề nếp, góp phần đảm bảo các mục tiêu cốt lõi của hoạt động này trong thực tiễn.

Theo đánh giá của Sở KH&ĐT Tuyên Quang, năng lực cán bộ tham gia công tác đấu thầu của một số chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh này còn hạn chế; chất lượng hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chưa đáp ứng yêu cầu (còn có tiêu chí thấp hoặc cao hơn so với yêu cầu của gói thầu). Bên cạnh đó, năng lực, tài chính của một số nhà thầu tư vấn còn hạn chế, dẫn đến chất lượng tư vấn chưa cao; thời gian thực hiện hợp đồng của một số gói thầu xây lắp còn bị kéo dài.

Qua thanh tra, kiểm tra về đấu thầu đối với 14 chủ đầu tư trên địa bàn, Sở KH&ĐT Tuyên Quang cho biết, vẫn còn một số đơn vị (chủ đầu tư xây dựng công trình) không thực hiện đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 Luật Đấu thầu 2013 và Sở này đã tiến hành xử phạt theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT.

Chuyên đề