TP.HCM ban hành quy chế đấu thầu dịch vụ công ích: Cơ hội rộng mở cho nhà thầu

(BĐT) - Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, đơn vị đầu mối tổ chức triển khai nhiều gói thầu dịch vụ công ích nhất trên địa bàn Thành phố (TP) đã trình và vừa được UBND TP.HCM thông qua Quy chế đấu thầu, đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. 
Việc ban hành Quy chế đấu thầu dịch vụ công ích sẽ tạo tiền đề để sử dụng hiệu quả vốn nhà nước và tăng cơ hội cạnh tranh cho các nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên
Việc ban hành Quy chế đấu thầu dịch vụ công ích sẽ tạo tiền đề để sử dụng hiệu quả vốn nhà nước và tăng cơ hội cạnh tranh cho các nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Với phạm vi rất rộng các gói thầu trong lĩnh vực GTVT, nhiều cơ hội đang mở ra đối với các nhà thầu hơn bao giờ hết.

Không phân biệt công tư

Quy chế đấu thầu, đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc lĩnh vực GTVT trên địa bàn TP.HCM áp dụng đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã đăng ký kinh doanh, tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động hợp pháp có sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc tổ chức thực hiện và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Sản phẩm, dịch vụ công ích bao gồm: quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa; dịch vụ chiếu sáng đô thị; dịch vụ thoát nước đô thị; dịch vụ quản lý công viên, trồng và chăm sóc cây xanh ...

Các nhà thầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công ích bày tỏ nhiều kỳ vọng, bởi với quy chế được ban hành, khi tiến hành đấu thầu, các thành phần kinh tế sẽ cạnh tranh sòng phẳng, không còn phân biệt công – tư, các gói thầu công ích không còn độc quyền cung cấp bởi các công ty TNHH MTV nhà nước như trước. Quy chế đấu thầu dịch vụ công ích trong lĩnh vực giao thông tại TP.HCM là bước tiến trong cung cấp dịch vụ công, tạo ra cơ chế minh bạch chi ngân sách, tạo cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ công. 

Đấu thầu để cạnh tranh đúng nghĩa

Dịch vụ công ích, đặc biệt là dịch vụ công ích tại các đô thị lớn hàng năm đều ngốn khoản kinh phí khổng lồ từ ngân sách. Như Hà Nội và TP.HCM, mỗi năm đều phải chi hàng ngàn tỷ đồng cho những hạng mục như cắt cỏ, tỉa cây xanh, duy trì chiếu sáng công cộng… Minh bạch trong việc sử dụng ngân sách, trong lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ công từ lâu đã trở thành yêu cầu cấp bách bởi còn nhiều mảng tối, góc khuất chưa  được soi rọi do thiếu hệ thống giám sát, dữ liệu thông tin chưa được công khai.

Ông Lê Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền cho rằng, trong lựa chọn phương thức cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, phương thức đấu thầu được xếp đứng đầu theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, một số cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp đang cung ứng dịch vụ công ích “cố tình” cho rằng chưa đủ điều kiện để áp dụng phương thức đấu thầu. Do đó, ở các đô thị lớn hiện vẫn ưu tiên đặt hàng, giao kế hoạch theo thông lệ cũ.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho biết, bản chất của cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích là chỉ định thầu, hợp đồng đặt hàng không thể tránh khỏi yếu tố xin - cho, nên tạo ra sự khép kín trong cung ứng dịch vụ công. Đây chính là mảnh đất màu mỡ của lợi ích nhóm, thiếu minh bạch. Do đó, việc TP.HCM ban hành quy chế đấu thầu dịch vụ công ích trong lĩnh vực rộng như GTVT là tín hiệu tích cực, cần nhân  rộng.

Đại diện Công ty CP Chiếu sáng công cộng TP.HCM cho biết, nhờ đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ công ích nên bản thân nhà thầu có nhiều môi trường để cọ xát, va chạm với thực tế, hiểu đúng yêu cầu của thị trường, của từng gói thầu cụ thể. Từ đó, nhà thầu sẽ nâng cao năng lực cũng như cải thiện chất lượng dịch vụ.

Các nhà thầu kỳ vọng, việc ban hành Quy chế sẽ tạo tiền đề để các bên mời thầu, chủ đầu tư tính đúng, tính đủ, xây dựng đơn giá phù hợp để sử dụng hiệu quả đồng tiền ngân sách cũng như đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp tham dự thầu. Đồng thời, việc tổ chức đấu thầu phải công bằng, công khai, minh bạch với các tiêu chí rõ ràng và có sự giám sát của các cơ quan chức năng nhằm hạn chế tiêu cực.

Chuyên đề