Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn: Phản hồi kiến nghị về hợp đồng tương tự

(BĐT) - Mới đây, Công ty CP Xây dựng G (đề nghị được giấu tên) có văn bản kiến nghị về Hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu Thi công xây lắp đường, bãi và hệ thống thoát nước mặt do Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn mời thầu.
Về hợp đồng tương tự, HSMT yêu cầu nhà thầu có tối thiểu 1 hợp đồng thi công công trình đường bãi container có giá trị tối thiểu là 21,5 tỷ đồng. Ảnh: Minh Khuê
Về hợp đồng tương tự, HSMT yêu cầu nhà thầu có tối thiểu 1 hợp đồng thi công công trình đường bãi container có giá trị tối thiểu là 21,5 tỷ đồng. Ảnh: Minh Khuê

Gói thầu nêu trên thuộc Dự án Nâng cấp bãi quanh kho 2&3 (phần còn lại), bãi khu kiểm hóa khu DVKT, đường D9 (từ đường D2 đến kho) và hệ thống thoát nước mặt.

Trong một văn bản gửi đến Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Công ty CP Xây dựng G (Nhà thầu G) cho biết, sau khi mua và nghiên cứu HSMT của gói thầu nêu trên, Nhà thầu đã đặt ra nhiều thắc mắc về các tiêu chuẩn được nêu trong HSMT.

Cụ thể, về tiêu chuẩn đánh giá năng lực tài chính và kinh nghiệm, HSMT quy định: Số lượng tối thiểu các hợp đồng tương tự theo mô tả dưới đây mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn (hoàn thành ít nhất 80% khối lượng công việc của hợp đồng) với tư cách là nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ hoặc nhà thầu quản lý trong vòng 5 năm trở lại đây (tính đến thời điểm đóng thầu) là 1 hợp đồng thi công công trình đường bãi container có giá trị tối thiểu là 21,5 tỷ đồng. HSMT cũng chú thích rõ: “nhà thầu chính” có thể là “nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh”; trường hợp là “nhà thầu phụ”, “với các hợp đồng mà nhà thầu đã tham gia với tư cách là thành viên liên danh hoặc thầu phụ thì chỉ tính giá trị phần việc do nhà thầu thực hiện”. Còn “nhà thầu quản lý” được chú thích là “nhà thầu không trực tiếp thực hiện một phần hoặc toàn bộ các công việc của gói thầu mà ký hợp đồng với các nhà thầu khác để thực hiện, nhưng nhà thầu vẫn quản lý việc thực hiện của các nhà thầu mà mình đã ký hợp đồng, đồng thời vẫn chịu toàn bộ trách nhiệm cũng như rủi ro liên quan đến giá thành, tiến độ thực hiện và chất lượng của gói thầu”.

Nhà thầu G đặt vấn đề, việc HSMT đưa ra quy định như vậy mà không nói rõ nội hàm tương tự là thế nào dẫn đến chỉ có nhà thầu nào thi công công trình đường bãi container mới đáp ứng được yêu cầu của HSMT thì quy định này có bị coi là điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng?

Thứ hai, đối với tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kỹ thuật, HSMT quy định chỉ huy trưởng công trình phải: “Trong vòng 5 năm gần đây làm công tác thi công xây dựng đường giao thông và đã làm chỉ huy trưởng ít nhất 1 công trình đường bãi container tương tự”. Nhà thầu G cho rằng yêu cầu này cũng không quy định rõ nội hàm tương tự dẫn đến nhà thầu nào đã thi công công trình đường bãi container mới đáp ứng được yêu cầu của HSMT. Từ những phân tích trên đây, Nhà thầu G đặt nghi vấn liệu có hay không việc Bên mời thầu đã vận dụng, điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí một cách có chủ ý nhằm mục đích có lợi cho nhà thầu nào đó và hạn chế các nhà thầu còn lại?

Đại diện của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, sau khi có văn bản phúc đáp kiến nghị, Nhà thầu G không có bất kỳ thắc mắc gì thêm. Ngày 26/3/2019, gói thầu nêu trên đã được mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật.
Sau khi nhận được kiến nghị nêu trên, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã có văn bản phúc đáp đối với những khúc mắc của Nhà thầu G. Theo đó, về tiêu chuẩn đánh giá năng lực và kinh nghiệm, HSMT được Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn lập đúng theo hướng dẫn của Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015. Gói thầu nêu trên có nội dung thi công nâng cấp bãi quanh kho 2&3 (phần còn lại), bãi khu kiểm hóa khu dịch vụ kỹ thuật, đường Đ (từ đường D2 đến kho) và hệ thống thoát nước mặt nằm trong Tân cảng Cát Lái, với mục đích phục vụ khai thác container trong cảng.

Về hợp đồng tương tự, do đặc thù đường, bãi trong khai thác cảng container khác với đường giao thông, bãi chứa thuần túy, nên HSMT yêu cầu nhà thầu đã từng thực hiện tối thiểu 1 hợp đồng thi công công trình đường bãi container là phù hợp và đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Tính chất tương tự của hợp đồng theo HSMT yêu cầu gồm: Tương tự về giá trị thực hiện: giá hợp đồng tối thiểu là 21,5 tỷ đồng; tương tự về bản chất, độ phức tạp: Công trình đường, bãi phục vụ khai thác container trong cảng, có tải trọng khai thác tương đương hoặc lớn hơn yêu cầu trong hồ sơ thiết kế.

Về tiêu chuẩn đánh giá năng lực kỹ thuật, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho rằng, chỉ huy trưởng công trường được đánh giá là đạt yêu cầu của HSMT khi đảm bảo “trong vòng 5 năm gần đây làm công tác thi công xây dựng đường giao thông; đã làm chỉ huy trưởng ít nhất 1 công trình đường bãi container tương tự” với tính chất tương tự đã nêu ở phần trên.

“Hiện nay, trải dài từ Bắc vào Nam có 6 nhóm cảng biển đang hoạt động, trong đó có rất nhiều cảng khai thác container. Vì vậy, có nhiều nhà thầu đã từng thi công công trình đường, bãi container. Việc đấu thầu rộng rãi để tìm nhà thầu đã từng thi công công trình đường, bãi container theo yêu cầu của HSMT là hoàn toàn phù hợp, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật”, văn bản phúc đáp do ông Ngô Trọng Phàn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn nhấn mạnh.

Được biết, gói thầu nêu trên có 13 nhà thầu mua HSDT, có 5 nhà thầu nộp HSDT theo đúng quy định, trong đó không có Nhà thầu G. Đại diện của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, sau khi có văn bản phúc đáp kiến nghị, Nhà thầu G không có bất kỳ thắc mắc gì thêm. Ngày 26/3/2019, gói thầu nêu trên đã được mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật.

Ngày 4/4/2019, thông tin với Báo Đấu thầu, phía Nhà thầu G cũng cho biết, sau khi nhận được văn bản trả lời của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Nhà thầu không kiến nghị gì thêm.

Chuyên đề