Tiết kiệm siêu thấp qua đấu thầu: Cốt lõi vẫn là thiếu tính cạnh tranh

(BĐT) - Thống kê sơ bộ về tình hình công tác đấu thầu năm 2016 của nhiều bộ, ngành, địa phương cho thấy, nhiều đơn vị đạt tỷ lệ tiết kiệm qua lựa chọn nhà thầu các gói thầu sử dụng vốn nhà nước chỉ trên dưới 1% so với giá gói thầu.
Tiết kiệm siêu thấp qua đấu thầu: Cốt lõi vẫn là thiếu tính cạnh tranh

Số liệu báo cáo này cũng khá phù hợp với nhiều gói thầu mà Báo Đấu thầu đã phản ánh trong thời gian qua về mức giảm giá quá ít, thậm chí là không giảm đồng nào. 

Giảm giá cho có!

Theo Sở KH&ĐT Đắk Lắk, đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh này đã thực hiện 2.569 gói thầu, với tổng giá gói thầu là 2.154.128,70 triệu đồng, tổng giá trúng thầu là 2.141.025,42 triệu đồng. Tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu là 0,61%.

Tại Nghệ An, năm 2016 thực hiện 990 gói thầu, tổng giá gói thầu 3.854 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 3.825 tỷ đồng, giảm giá hơn 29 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tiết kiệm chung chỉ được 0,77%. Trong đó, đáng lưu ý đấu thầu rộng rãi tiết kiệm được 0,83%, còn chỉ định thầu khiến tăng giá thêm 0,05%, tự thực hiện tăng giá 0,06%.

Còn số liệu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, đối với các gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển trong năm 2016 có 1.171 gói thầu được thực hiện với tổng giá trị gói thầu là 1.324 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu là 1.312 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm là 0,924%. Tỷ lệ này thấp hơn so với các năm trước (năm 2013 đạt 1,5%, năm 2014 đạt 2,28%, năm 2015 đạt 6,1%).

Con số tương tự tại Bộ Tài nguyên và Môi trường là 0,86%, Bình Phước là 1,1%, Hà Nam là 1,21%, Kon Tum là 1,27%, Hòa Bình là 1,13%, Lạng Sơn là 1,1%...

Muốn hiệu quả phải cạnh tranh, minh bạch

Lý giải cho tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu còn thấp, Sở KH&ĐT Đắk Lắk cho rằng nguyên nhân do hình thức lựa chọn nhà thầu được áp dụng là chỉ định thầu chưa tiết kiệm nhiều trong quá trình thương thảo nhưng lại được nhiều đơn vị chọn áp dụng. Ngoài ra, một phần do trong việc xác định giá gói thầu chưa tính toán đầy đủ các yếu tố trượt giá và thực hiện quy trình đấu thầu chưa đúng quy định.

Từ thực tế có thể thấy tính cạnh tranh, minh bạch quyết định rất lớn đến hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu. Chủ thể tạo ra sự cạnh tranh, minh bạch thực sự ấy không ai khác chính là chủ đầu tư và đặc biệt là người có thẩm quyền!
Sở KH&ĐT Bình Phước thì thừa nhận tỷ lệ giảm giá qua đấu thầu 1,1% của Tỉnh là rất thấp, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước và nhiều địa phương khác. Theo Sở này, có một yếu tố liên quan đến tỷ lệ giảm giá trong đấu thầu đó là giá gói thầu thấp. Các gói thầu xây lắp chỉ chiếm khoảng 20% về số gói thầu, nhưng chiếm gần 90% về tổng giá trị các gói thầu. Hiện nay, dự toán xây lắp các công trình xây dựng vẫn áp dụng hệ số điều chỉnh chi phí nhân công, máy thi công theo mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2012 của Nghị định số 70/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức tiền lương tối thiểu vùng đối với người lao động. Như vậy là trong vòng 5 năm qua, hệ số điều chỉnh chi phí nhân công trong dự toán xây dựng công trình không được điều chỉnh phù hợp với mặt bằng chi phí nhân công xây dựng trên thị trường, trong khi đó chi phí thuê nhân công xây dựng thực tế đã tăng rất nhiều nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời.

Với Thừa Thiên Huế, lý do được đưa ra là do việc Chính phủ phân cấp mạnh trong đấu thầu cho chủ đầu tư. Do được trao quyền quá lớn trong khi năng lực hạn chế, nên một số chủ đầu tư tùy tiện trong phê duyệt, đấu thầu, ký kết hợp đồng, thực hiện không đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản cũng như chế độ tài chính… dẫn đến làm thiệt hại cho ngân sách.

Một số địa phương cũng chỉ ra tình trạng đấu thầu hình thức, hạn chế cạnh tranh và hiệu quả đấu thầu thấp vẫn đang tồn tại và chưa được khắc phục triệt để. Trong quá trình lập và phê duyệt HSMT, HSYC, các chủ đầu tư thường đưa ra tiêu chuẩn đánh giá HSDT, HSĐX (tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm) có một vài tiêu chí bất hợp lý dẫn đến các nhà thầu khi tham dự dễ bị loại dù có giá dự thầu thấp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Bình luận về tỷ lệ tiết kiệm thấp này, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu đạt được chưa cao là do chưa minh bạch, cạnh tranh thực sự.

Thực tế, Báo Đấu thầu đã nhiều lần chỉ ra trường hợp một nhà thầu ruột thường xuyên trúng thầu các gói thầu của một chủ đầu tư thì tỷ lệ giảm giá qua đấu thầu thường rất thấp, gần như không đáng kể.

Trường hợp gói thầu có nhà thầu bị cướp HSDT tại Bình Định mà Báo Đấu thầu đã phản ánh cho thấy, cùng 1 gói thầu nhưng khi tiến hành mời thầu lại dưới sự giám sát của Ban QLDA trung ương, mức giảm giá của các nhà thầu tại lần mời thầu thứ hai cao hơn rất nhiều so với lần mở thầu đầu tiên. Trường hợp gói thầu có nhà thầu bị cướp HSDT tại Đắk Lắk khi mời thầu lại tại cả địa điểm của Ban QLDA trung ương cũng thu hút thêm nhiều nhà thầu tham dự hơn và giá dự thầu của các nhà thầu rất cạnh tranh, giá trúng thầu giảm từ 30 - 40% so với giá gói thầu.

Từ thực tế có thể thấy tính cạnh tranh, minh bạch quyết định rất lớn đến hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu. Chủ thể tạo ra sự cạnh tranh, minh bạch thực sự ấy không ai khác chính là chủ đầu tư và đặc biệt là người có thẩm quyền!                 

Chuyên đề