Thuốc nội vẫn bị lép vế

(BĐT) - Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ trọng trúng thầu của thuốc trong nước sản xuất ngày càng gia tăng rõ rệt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giá trị của thuốc nội trúng thầu vẫn chiếm tỷ lệ khá “khiêm tốn”.
Giá trị của thuốc nội trúng thầu chiếm tỷ lệ thấp trong tổng giá trị các  gói thầu mua thuốc. Ảnh: Lê Tiên
Giá trị của thuốc nội trúng thầu chiếm tỷ lệ thấp trong tổng giá trị các gói thầu mua thuốc. Ảnh: Lê Tiên

Theo dữ liệu thống kê kết quả trúng thầu của 26 Sở Y tế và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước trúng thầu tại các cơ sở y tế có sự gia tăng qua các năm. Trong đó, bệnh viện tuyến trung ương tăng 1,01%; bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện tăng 2,41%. Tỷ lệ sử dụng (chủng loại, số lượng) các mặt hàng thuốc sản xuất trong nước trong các bệnh viện tuyến trung ương khá cao. Cụ thể, tại Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ này là trên 20%. Còn tại Bệnh viện Việt Đức, thuốc sản xuất trong nước cũng chiếm số lượng khá lớn; trong đó, 2 kháng sinh sản xuất trong nước được sử dụng nhiều nhất là Cefotaxim – 100.000 lọ/năm và Metronidazol 500mg/100ml.

Mặc dù tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước trúng thầu có tăng, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước theo giá trị còn thấp, đặc biệt là bệnh viện tuyến trung ương. Ngoài ra, trong tổng số gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế trong thời gian qua, các gói thầu mua sắm hàng hóa liên quan đến lĩnh vực y tế vẫn chiếm một tỷ trọng lớn.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng trên, Bộ Y tế cho rằng, đây là các gói thầu có tính chất đặc thù, yêu cầu tính năng kỹ thuật của thiết bị, yêu cầu của nhà tài trợ... Các thiết bị được nhập khẩu phần lớn là trang thiết bị mổ tim hở; hệ thống máy lọc máu liên tục; hệ thống máy phân loại, đếm, bảo quản tế bào, máy chạy thận nhân tạo...

Kết quả kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác đấu thầu thuốc tại Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho thấy, các bệnh viện tuyến trung ương với mô hình bệnh tật phức tạp, hầu hết bệnh nhân đến viện là những trường hợp cấp cứu nặng hoặc những trường hợp rất khó chữa trị từ tuyến dưới chuyển lên. Để đảm bảo nhu cầu điều trị, trong nhiều trường hợp, các bệnh viện này bắt buộc phải lựa chọn các thuốc biệt dược gốc và các thuốc có nguồn gốc từ châu Âu hoặc Mỹ. Trong khi đó, giá các loại thuốc có nguồn gốc xuất xứ từ châu Âu thường đắt hơn gấp nhiều lần so với thuốc nội, nên thuốc sản xuất trong nước được sử dụng nếu xét theo giá trị thường có tỷ lệ thấp hơn.

Sở dĩ giá trị trang thiết bị y tế và thuốc sản xuất trong nước còn thấp, theo các cơ quan chức năng, là có nhiều nguyên nhân. Có những trường hợp, mặc dù không tổ chức đấu thầu quốc tế nhưng hồ sơ mời thầu lại đưa ra các yêu cầu gây cản trở đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế sự tham gia của nhà sản xuất và cung ứng trong nước; hoặc trong nhiều trường hợp không thể ngăn cấm nhà thầu trong nước chào hàng nhập khẩu bằng các hàng rào kỹ thuật.

Một nguyên nhân khác nữa là do Danh mục “nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, trong nước đã sản xuất được” chưa được bổ sung kịp thời dẫn đến việc chủ đầu tư không có thêm nhiều lựa chọn để sử dụng vật tư, máy móc, thiết bị trong nước. Đối với các mặt hàng vật tư, thiết bị mới được nghiên cứu và sản xuất thành công trong nước, các doanh nghiệp thường thiếu hồ sơ chứng nhận vận hành thành công của sản phẩm nên không đạt thủ tục pháp lý khi tham dự thầu đối với các gói thầu có tài trợ quốc tế yêu cầu cao về năng lực.

Ngoài ra, tình trạng nhập lậu với giá rẻ, kém chất lượng tràn lan trên thị trường cũng đã tác động không nhỏ đến quá trình lựa chọn nhà thầu. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, vật tư trong nước về giá cả cũng như thị phần.

Chuyên đề