Thực thi Luật Đấu thầu mới: Chỉ định thầu bớt tràn lan

(BĐT) - Hiệu quả của quy định mới về chỉ định thầu đã bước đầu được thể hiện rõ rệt trong năm 2015 khi Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP đi vào thực tiễn và được thực hiện ổn định. Năm 2015, tỷ lệ gói thầu áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu kém cạnh tranh này đã giảm đáng kể so với các năm trước.
Thực thi Luật Đấu thầu mới: Chỉ định thầu bớt tràn lan

Chỉ định thầu và những nguy cơ lớn

Trong nhiều năm qua, chỉ định thầu luôn là hình thức lựa chọn nhà thầu được áp dụng cho nhiều gói thầu nhất. Từ năm 2010 đến 2014, số lượng gói thầu áp dụng chỉ định thầu luôn chiếm trên 73% tổng số gói thầu thực hiện mỗi năm, đặc biệt, có những huyện, xã, chỉ định thầu đến gần 100% vì đều thực hiện dự án nhỏ, gói thầu trong hạn mức được chỉ định thầu cũ, rất nhiều địa phương tỷ lệ này lên đến trên 90%.

Ngoài những gói thầu thuộc hạn mức được chỉ định thầu, rất nhiều gói thầu lớn hàng trăm tỷ đồng cũng viện dẫn những lý do “muôn màu” để thực hiện hình thức này. Nguyên nhân chính thường được viện dẫn là “cấp bách”, nhưng thực tế rất nhiều gói thầu chỉ “cấp bách” khi xin cơ chế, xin được cơ chế rồi thì đủng đỉnh trong triển khai thực hiện. Hay một số trường hợp viện vào hai chữ “đặc thù” đối với những công nghệ mà họ cho rằng chỉ có một nhà thầu đáp ứng, trong khi chưa có sự tham khảo rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế - nơi mà công nghệ này thực tế có nhiều nhà thầu đáp ứng được…

Tỷ lệ nghịch với số lượng, mức giảm giá sau lựa chọn nhà thầu của hình thức này rất thấp so với đấu thầu rộng rãi cũng như so với tỷ lệ tiết kiệm chung qua đấu thầu. Đây là điều dễ hiểu vì chỉ định thầu là hình thức lựa chọn nhà thầu không có cạnh tranh, khi thực hiện không đúng sẽ dễ dẫn đến cơ chế xin - cho, tiền đề của nguy cơ tham nhũng, giảm hiệu quả đầu tư và chất lượng công trình, dự án.

Ngoài tỷ lệ tiết kiệm thấp, từ thực tiễn áp dụng hình thức chỉ định thầu trong nhiều năm qua tại một số đơn vị còn bộc lộ nhiều tồn tại khác. Có những trường hợp chủ đầu tư lập hồ sơ yêu cầu, nhà thầu lập hồ sơ đề xuất rất sơ sài, mang tính hình thức, đối phó. Điều này, có thể dẫn tới lựa chọn nhà thầu không đáp ứng yêu cầu và không đủ năng lực thực hiện gói thầu hoặc dễ phát sinh tranh chấp hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình thi công công trình.

Ngoài ra, theo một chuyên gia về đấu thầu, từ sự không cạnh tranh của hình thức chỉ định thầu, các nhà thầu mới thành lập sẽ ít có cơ hội so với các nhà thầu “quen biết” nên cũng sẽ có ít khả năng phát triển. Áp dụng chỉ định thầu quá nhiều thì số lượng nhà thầu tham gia vào các gói thầu của Nhà nước không có điều kiện tăng lên tương ứng, hệ quả tất yếu là giá thầu tăng và hiệu quả đầu tư giảm theo.

Tỷ lệ gói thầu chỉ định thầu giảm mạnh

So sánh với số liệu từ năm 2010, năm 2015 tỷ lệ gói thầu áp dụng chỉ định thầu trên tổng số gói thầu thực hiện trong năm đã giảm đáng kể, cụ thể chiếm 68,61% tổng số gói thầu đã thực hiện trong năm 2015, giảm 4,85% so với năm 2014
Pháp luật về đấu thầu hiện hành đã có những quy định nhằm hạn chế áp dụng hình thức chỉ định thầu. Luật Đấu thầu 2013 đã luật hóa các trường hợp được chỉ định thầu và hạn mức được áp dụng chỉ định thầu tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thấp hơn rất nhiều so với quy định trước đây (giảm hạn mức chỉ định thầu gói thầu xây lắp từ 5 tỷ đồng xuống 1 tỷ đồng, gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn từ 3 tỷ đồng xuống 500 triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa từ 2 tỷ đồng xuống còn 1 tỷ đồng).

Luật Đấu thầu số 2013 có hiệu lực từ ngày 01/7/2014 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/8/2014 nên chưa tác động mạnh được đến tình hình thực hiện chỉ định thầu của năm 2014. Hiệu quả của quy định mới về chỉ định thầu đã được thể hiện rõ rệt hơn trong năm 2015 khi Luật và Nghị định đã được thực hiện ổn định.

Theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, năm 2015, trên cả nước, tổng số gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu 2013 là 153.955 gói thầu, với tổng giá gói thầu là 472.238,4 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 435.115,831 đồng, giá trị chênh lệch giữa tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu là 37.122,569 tỷ đồng, tương đương 7,86% tổng giá gói thầu. Trong đó, chỉ định thầu có 105.472 gói thầu (chiếm 68,51%), tổng giá gói thầu là 99.539,736 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 95.659,512 tỷ đồng, với tỷ lệ tiết kiệm chỉ đạt 3,9%, tương đương 3.880,224 tỷ đồng.

So sánh với số liệu từ năm 2010, năm 2015 tỷ lệ gói thầu áp dụng chỉ định thầu trên tổng số gói thầu thực hiện trong năm đã giảm đáng kể, cụ thể chiếm 68,61% tổng số gói thầu đã thực hiện trong năm 2015, giảm 4,85% so với năm 2014 (năm 2010 tỷ lệ này là 73%, năm 2011 là 75%, năm 2012 là 73,5%, năm 2013 là 73,25% và năm 2014 là 73,36%). Tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu này trong năm 2015 giảm đáng kể so với năm 2014, lần lượt giảm 18.648 tỷ đồng và giảm 19.220 tỷ đồng.

Chuyên đề