Thông tin kết quả lựa chọn nhà thầu: Bên mời thầu che, bên nhà thầu khoe

(BĐT) - Có hai trạng thái trái ngược về việc công bố thông tin kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) các gói thầu sử dụng vốn nhà nước. Đó là bên mời thầu nhiều nơi đang cố tình lờ đi việc công khai, đưa các KQLCNT vào “vùng trắng”. Trong khi đó, các nhà thầu lại khá rầm rộ khoe việc khởi công, thi công các gói thầu này.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Hai trạng thái trái ngược

Tại buổi lễ mở thầu một gói thầu xây lắp quy mô lớn của trường đại học K đóng trên địa bàn TP.HCM, có 3 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Đây là gói thầu thi công phần thân, kết cấu có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Trước đó, gói thầu thi công phần móng đã được khởi công từ tháng 5/2018. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, mặc dù gói thầu thi công phần móng giá trị hơn 30 tỷ đồng đã có kết quả, các bên liên quan đã ký hợp đồng, động thổ, khởi công nhưng bên mời thầu lại không công khai KQLCNT.

Tuy phần công bố KQLCNT gói thầu thi công phần móng không được công khai, nhưng trên Website của đơn vị trúng thầu lại có rất nhiều thông tin, hình ảnh về sự kiện khởi công gói thầu này. Theo những thông tin được công khai trên Website chính thức của nhà thầu trúng thầu, buổi khởi công có sự tham gia đông đảo của ban giám hiệu nhà trường. Thông tin về gói thầu, giá trị, thời gian thi công cũng được công bố đầy đủ.

Tại Ninh Thuận, nhà thầu GV được các nhà thầu xây lắp xếp vào hạng “có số có má” bởi tần suất trúng thầu dày đặc. Thông tin về việc nhà thầu GV trúng thầu được các nhà thầu rỉ tai nhau rất nhiều. Và không khó khăn để có thể đối chiếu thông tin này trên chính Website của nhà thầu GV. Website của nhà thầu GV liệt kê đến 3 lĩnh vực mà đơn vị này thi công liên quan đến các công trình mà nhà thầu này trúng, gồm: thủy lợi, xây dựng dân dụng và điện. Mỗi lĩnh vực đều được nhà thầu GV công bố kèm nhiều công trình sử dụng vốn nhà nước.

Trái ngược với thông tin “ăm ắp” trên website nhà thầu, kiểm tra dữ liệu KQLCNT của Báo Đấu thầu các gói thầu mà nhà thầu GV trúng thầu, đa số không được các bên mời thầu công bố.

Hệ lụy nhiều mặt

Sau nhiều khảo sát cũng như trao đổi trực tiếp với các bên mời thầu, Báo Đấu thầu nhận thấy, hiện nay, có nhiều đơn vị đang coi nhẹ việc công khai KQLCNT theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Như trường hợp trường đại học K, trong vòng 3 năm (từ 2016 - 2018), chỉ công khai 5 KQLCNT ở tất cả các lĩnh vực. So với số thông báo mời thầu (từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2019) đã công khai là 41, tỷ lệ các gói thầu được công khai kết quả là quá ít ỏi. Đáng nói, đây là một đơn vị quy mô lớn, nhu cầu mua sắm, sửa chữa, xây dựng hàng năm rất nhiều. Bên mời thầu này đã không thể đưa ra được lý do chính đáng để giải thích cho việc “ỉm” rất nhiều KQLCNT vừa qua.

Một bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đóng tại TP.HCM, từ tháng 1/2016 đến đầu tháng 12/2018 có 149 gói thầu được đăng thông báo mời thầu, nhưng chỉ có 28 gói thầu (xây lắp, hỗn hợp, phi tư vấn và tư vấn), 78 gói thầu mua sắm hàng hóa được công bố KQLCNT. Như vậy, nếu loại trừ những gói thầu chưa có quyết định phê duyệt KQLCNT, tại đơn vị này còn khoảng 30% số lượng gói thầu chưa công khai KQLCNT. Còn rất nhiều đơn vị, bên mời thầu dù thường xuyên tổ chức lựa chọn nhà thầu nhưng lại đang “lơ đãng” trong việc công bố kết quả.

Việc chưa tuân thủ nghiêm quy định về công khai KQLCNT cho thấy nhiều bên mời thầu đang coi nhẹ kỷ cương pháp luật về đấu thầu ngay ở khâu cơ bản nhất là minh bạch thông tin. Điều này trực tiếp dẫn tới hệ quả khó đánh giá chính xác hiệu quả của công tác lựa chọn nhà thầu của các bên mời thầu chưa công khai kết quả, và không có thông tin để giám sát.

Một hệ lụy tất yếu của việc không công khai KQLCNT là dẫn tới khó kiểm soát năng lực của nhà thầu, không phát huy hết giá trị của thông tin trúng thầu của nhà thầu khi kê khai trong HSDT. “Nếu muốn xác định giá trị của một hợp đồng tương tự mà nhà thầu cung cấp trong HSDT, nhiều bên mời thầu vẫn dựa vào việc đối chiếu với các KQLCNT đã được công khai. Tuy nhiên, nếu các gói thầu không được công khai kết quả, việc nhà thầu trúng thầu không được đưa vào dữ liệu, thì thực sự khó khăn cho những bên mời thầu nào muốn độc lập xác minh độ tin cậy của các hợp đồng tương tự”, một đơn vị mời thầu khẳng định.

Các nhà thầu cũng không thể đánh giá đầy đủ năng lực của nhau khi tham dự thầu nếu thông tin về KQLCNT trong quá khứ không được công bố công khai.

Chuyên đề