Thấy gì từ việc Sở Y tế Bình Định hủy 3 lô thầu?

(BĐT) - Sở Y tế Bình Định vừa có quyết định hủy 3 trong số 4 lô thầu (Lô 1, 3, 4) của Gói thầu số 2 thuộc Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện. Dựa vào đánh giá của Bên mời thầu và lý do các nhà thầu bị loại, có một số câu hỏi được đặt ra về ý thức và năng lực của những nhà thầu tham dự gói thầu trên.
Kết quả lựa chọn nhà thầu do Ban quản lý dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện của tỉnh Bình Định cung cấp, được công bố trên Báo Đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi
Kết quả lựa chọn nhà thầu do Ban quản lý dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện của tỉnh Bình Định cung cấp, được công bố trên Báo Đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi

Nhà thầu chậm nộp vi phạm thuế hơn 4,6 tỷ đồng

Gói thầu số 2 thuộc Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện bao gồm 4 lô, có tổng giá gói thầu là 31.483.691.000 đồng, gồm toàn bộ khối lượng xây lắp và thiết bị của hạng mục Nhà lưu giữ rác; hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải cho các đơn vị: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Định, BVĐK khu vực Bồng Sơn, BVĐK khu vực Phú Phong và BVĐK TP. Quy Nhơn.

Ban quản lý dự án (QLDA) Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện tỉnh Bình Định – bên mời thầu cho biết, Lô 1 có giá gói thầu là 17.403.561.000 đồng, đã có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) là: Công ty CP Tư vấn công nghệ cao, Công ty CP Tiến bộ quốc tế và Công ty CP Uy tín Toàn Cầu. Giá dự thầu sau giảm giá của 3 nhà thầu này đều thấp hơn giá gói thầu, tuy nhiên trong quá trình đánh giá HSDT thì 2 trong số 3 nhà thầu trên đều không đạt về yêu cầu kỹ thuật (yêu cầu chung về thiết bị và xây lắp). Duy chỉ có nhà thầu Công ty CP Tư vấn công nghệ cao là vượt qua được các bước đánh giá và được Bên mời thầu đánh giá là nhà thầu có giá thấp nhất theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Tuy nhiên, nhà thầu duy nhất này lại không đạt ở bước Hậu kiểm năng lực.

Lý do không đạt, theo Bên mời thầu là do trong năm 2014, Công ty CP Tư vấn Công nghệ cao đã vi phạm chấp hành nghĩa vụ thuế và phải nộp phạt vi phạm thuế với số tiền là 4.637.980.082 đồng. Bên mời thầu đã yêu cầu nhà thầu làm rõ nội dung này, tuy nhiên nhà thầu đã không cung cấp được chứng từ giải trình lý do chậm nộp phạt thuế.

Bên cạnh đó, liên quan đến tiêu chí năng lực nhân sự, HSDT của Công ty CP Tư vấn công nghệ cao có nêu ông Nguyễn Xuân Triển, dự kiến chức vụ Chỉ huy trưởng công trình, nhưng Sổ bảo hiểm lại kê khai quá trình làm việc và đóng bảo hiểm xã hội của ông Triển tại một công ty khác. Tuy nhiên, trong quá trình làm rõ HSDT, nhà thầu lại không cung cấp được tài liệu (Bảng kê khai thuế thu nhập cá nhân, bảng lương) để chứng minh ông Triển là người làm việc tại Công ty CP Tư vấn công nghệ cao và được hưởng lương theo quy định.  

Nhà thầu thiếu nghiêm túc trong dự thầu?

Từ câu chuyện này, một chuyên gia đấu thầu cảnh báo, trong quá trình chấm thầu, các chủ đầu tư/bên mời thầu cần hết sức thận trọng với việc nhà thầu nộp bảo lãnh dự thầu giả, đánh lừa về bảo lãnh dự thầu.
Theo thông tin từ Bên mời thầu, đối với Lô 3 và Lô 4 gói thầu nêu trên, mỗi lô chỉ có 1 nhà thầu nộp HSDT, và giá dự thầu của 2 nhà thầu này đều vượt giá gói thầu. Lô 3 có giá gói thầu là 3.543.305.000 đồng, thì giá dự thầu sau giảm giá của nhà thầu duy nhất nộp HSDT - Liên danh Công ty CP Công nghệ Quang Thành và Công ty CP Công nghệ Việt Ấn là 3.712.178.571 đồng (cao hơn giá gói thầu khoảng 5%). Tương tự, Lô 4 có giá gói thầu là 3.543.305.000 đồng, thì giá dự thầu sau giảm giá của nhà thầu duy nhất nộp HSDT - Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Tuấn Long - là 6.544.261.000 đồng (bằng 186% giá gói thầu).

Mặc dù mỗi lô thầu trên chỉ có 1 nhà thầu tham dự nhưng Bên mời thầu vẫn tiến hành mở thầu và đánh giá HSDT cho các nhà thầu. Quá trình đánh giá HSDT cho thấy, ngay ở bước đánh giá yêu cầu về mặt kỹ thuật thì HSDT của cả 2 nhà thầu tham dự Lô 3 và Lô 4 đều không đạt yêu cầu chung về thiết bị và yêu cầu chung về xây lắp.

Bên mời thầu cho biết, một điều đáng chú ý ở HSDT của Liên danh Công ty CP Công nghệ Quang Thành và Công ty CP Công nghệ Việt Ấn là Bảo lãnh dự thầu của Liên danh này là bản scan, không phải là bản gốc do ngân hàng phát hành và Bảo lãnh dự thầu đứng tên Công ty CP Công nghệ Quang Thành (không đứng tên Liên danh). “Việc nhà thầu chỉ cung cấp bản scan mà không cung cấp bản gốc Bảo lãnh dự thầu là không đáp ứng đúng hướng dẫn của bên mời thầu đã nêu trong HSMT”, bên mời thầu cho biết.

Một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc nhà thầu nộp Bảo lãnh dự thầu bản scan, mà không phải bản gốc Bảo lãnh của ngân hàng cho thấy, nhà thầu không thực sự “mặn mà” với gói thầu và rất có thể chỉ đang “thăm dò” có nên tham gia gói thầu này hay không. Vì khi nộp bản gốc Bảo lãnh dự thầu, nếu nhà thầu “bỏ cuộc giữa chừng” sẽ phải mất số tiền đã nộp bảo lãnh cho chủ đầu tư, còn trong trường hợp nhà thầu nộp Bảo lãnh bản scan, khi bị chủ đầu tư “phát giác” đó không phải là bản gốc (coi như là nhà thầu nộp bảo lãnh giả) thì chủ đầu tư không có lý do gì để yêu cầu nhà thầu nộp phạt.

Từ câu chuyện này, một chuyên gia đấu thầu cảnh báo, trong quá trình chấm thầu, các chủ đầu tư/bên mời thầu cần hết sức thận trọng với việc nhà thầu nộp bảo lãnh dự thầu giả, đánh lừa về bảo lãnh dự thầu.

Chuyên đề