Thanh tra tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Chỉ định 266 gói cho 2 nhà thầu

(BĐT) - Qua thanh tra Dự án Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 133 đường ngang do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) làm chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phát hiện 133 gói thầu kiểm toán, quyết toán và 133 gói thầu bảo hiểm của dự án này được chỉ định riêng cho 2 nhà thầu. 
Toàn bộ 266 gói thầu kiểm toán, quyết toán và bảo hiểm thuộc Dự án cải tạo, sửa chữa 133 đường ngang được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ định cho 2 nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên
Toàn bộ 266 gói thầu kiểm toán, quyết toán và bảo hiểm thuộc Dự án cải tạo, sửa chữa 133 đường ngang được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ định cho 2 nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Dư luận cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của Dự án khi việc triển khai hàng trăm gói thầu bị đánh giá là không cần thiết.

Lãng phí từ 266 gói thầu không cần thiết

Kết luận thanh tra số 1849/BGTVT-TTr của Bộ GTVT cho biết, Dự án Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang năm 2015 theo Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ (gồm 133 đường ngang) có 133 gói thầu bảo hiểm xây dựng và 133 gói thầu kiểm toán, quyết toán dự án hoàn thành. Tất cả các gói thầu này đều có hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu, áp dụng theo quy trình chỉ định thầu rút gọn. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, toàn bộ 266 gói thầu nêu trên đều không thực sự cần thiết và chính việc triển khai các gói thầu này là nguyên nhân khiến chi phí đầu tư của dự án gia tăng.

Dẫn chứng cho điều này, Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ, Khoản 1 Điều 14 Thông tư 19/2011/TT-BTC ngày 14/2/2011 của Bộ Tài chính quy định, công tác kiểm toán, quyết toán chỉ bắt buộc đối với các dự án nhóm A hoặc nhóm B; các dự án còn lại thực hiện kiểm toán, quyết toán theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, đối với các dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 133 đường ngang do quy mô quá nhỏ (chủ yếu giá trị xây lắp từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng) nên việc kiểm toán, quyết toán là không thực sự cần thiết. Việc chủ đầu tư vẫn thực hiện kiểm toán, quyết toán thông qua quá trình triển khai 133 gói thầu là nguyên nhân làm tăng chi phí đầu tư của các dự án.

Cũng theo Thanh tra Bộ GTVT, Khoản 1.5 Điều 18 Thông tư 19/2011/TT-BTC và Khoản đ Điều 21 Thông tư 09/2016/TT-BTC quy định, trường hợp dự án đã thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán thì chi phí thẩm tra được tính bằng 50% định mức. Tuy nhiên, đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, qua thanh tra phát hiện, doanh nghiệp này đã tính chi phí thẩm tra với giá trị là 100% định mức. Kết quả xác định chi phí thẩm tra này theo Thanh tra Bộ GTVT là không đúng và VNR phải thực hiện tính lại chi phí hạng mục này với giá trị tiết giảm hơn 322 triệu đồng.

Đối với 133 gói thầu bảo hiểm, Thanh tra Bộ GTVT cũng một lần nữa chỉ rõ sự không cần thiết trong việc triển khai các gói thầu này. Theo quy định của Luật Xây dựng 2014, chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp. Tuy nhiên, với đặc điểm và tính chất của các công trình đường ngang là thời gian thi công ngắn (khoảng 1 tháng), giá trị bảo hiểm thấp (giá trị bảo hiểm mỗi công trình khoảng từ 1 - 3 triệu đồng) nên việc Chủ đầu tư vẫn thực hiện mua 133 gói thầu bảo hiểm là một sự… lãng phí?!

Ưu ái riêng cho 2 nhà thầu?

Một điều đáng chú ý mà Thanh tra Bộ GTVT phát hiện qua thanh tra là toàn bộ 133 gói thầu kiểm toán, quyết toán dự án hoàn thành và 133 gói thầu bảo hiểm “không thực sự cần thiết” nêu trên đã được VNR chỉ định cho chỉ 2 nhà thầu thực hiện là Công ty TNHH Kiểm toán BDO và Công ty Bảo hiểm PVI Thăng Long.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Công ty TNHH Kiểm toán BDO là nhà thầu tư vấn có vốn điều lệ khá khiêm tốn, chỉ 5 tỷ đồng. Công ty có địa chỉ tại Tầng 20, Tòa nhà ICON 4, số 243A Đê La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Theo khảo sát, từ tháng 11/2015 đến nay, nhà thầu này đã trúng 16 gói thầu, trong đó có 13 gói thầu đấu thầu rộng rãi, 3 gói thầu còn lại Công ty được chỉ định thầu.

Còn với Công ty Bảo hiểm PVI Thăng Long, mặc dù là nhà thầu bảo hiểm khá quen thuộc của nhiều doanh nghiệp xây dựng, tuy nhiên đến thời điểm này, theo tìm hiểu, Công ty vẫn chưa đăng ký tư cách nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu về vấn đề này, đại diện Công ty Bảo hiểm PVI Thăng Long xác nhận việc Công ty chưa thực hiện đăng ký tư cách nhà thầu. Cũng vì việc này mà thời gian qua để có thể tham gia đấu thầu các gói thầu bảo hiểm, doanh nghiệp này phải cần đến Giấy ủy quyền của Công ty mẹ là Tổng công ty Bảo hiểm PVI.

“Mặc dù Bảo hiểm PVI Thăng Long chưa đăng ký tư cách nhà thầu nhưng Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã thực hiện việc đăng ký này. Vì vậy, khi có Giấy ủy quyền của Công ty mẹ thì chúng tôi vẫn đủ tư cách tham gia đấu thầu”, đại diện PVI Thăng Long tự nhận định.

Chuyên đề