Tăng tính chuyên nghiệp trong đấu thầu

(BĐT) - Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT quy định chi tiết đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu (TT03) vừa được ban hành với nhiều điểm mới. Được xây dựng trên cơ sở điều kiện thực tế của Việt Nam và tham khảo các thông lệ tốt của quốc tế, TT03 sẽ góp phần quan trọng trong việc quản lý có hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu đồng thời nâng cao năng lực cho các cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động lựa chọn nhà thầu.
Từ ngày 01/01/2017, cá nhân muốn được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu phải trải qua kỳ thi sát hạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Ảnh: Lê Tiên
Từ ngày 01/01/2017, cá nhân muốn được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu phải trải qua kỳ thi sát hạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Ảnh: Lê Tiên

Chứng chỉ hành nghề và chế tài xử lý vi phạm

Theo quy định tại TT03, kể từ ngày 01/01/2018, cá nhân thuộc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu, ban quản lý dự án chuyên nghiệp, đơn vị mua sắm tập trung tham gia trực tiếp vào công tác lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả mời sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu. Cá nhân muốn được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu phải trải qua kỳ thi sát hạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức bắt đầu từ ngày 01/01/2017. Việc quy định phải trải qua kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề sẽ lựa chọn được những cá nhân thực sự có năng lực, kinh nghiệm và kiến thức về đấu thầu, góp phần nâng cao chất lượng của công tác lựa chọn nhà thầu.

Cùng với nâng cao chất lượng của cán bộ trực tiếp tham gia vào hoạt động lựa chọn nhà thầu, việc chấn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng của cơ sở đào tạo đấu thầu cũng được đề cập trong TT03. Thực tế trong thời gian qua, bên cạnh một số cơ sở đào tạo đấu thầu có uy tín vẫn còn một vài cơ sở vì chạy theo lợi nhuận đã coi nhẹ chất lượng đào tạo, thậm chí có hiện tượng vi phạm quy định như: cắt giảm thời lượng đào tạo, sử dụng giảng viên không có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để giảng dạy trong những khóa cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu cơ bản; một số cơ sở đào tạo có hiện tượng cấp khống chứng chỉ, cấp chứng chỉ cho những học viên không đủ điều kiện; chương trình giảng dạy ở một số khóa đào tạo chưa cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu mới được ban hành, ngân hàng đề kiểm tra của các cơ sở đào tạo còn nghèo nàn, nhiều trường hợp câu hỏi và đáp án chưa thống nhất với nhau; nhiều cơ sở đào tạo không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ… Do đó, để nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo, TT03 đã bổ sung chế tài xử lý đối với những vi phạm trong hoạt động đào, bồi dưỡng về đấu thầu so với Thông tư số 10/2010/TT-BKH trước đây. Cụ thể có các chế tài như: (i) Không thẩm định để công nhận cơ sở đào tạo đấu thầu trong thời gian 02 năm... (ii) Xóa tên cơ sở đào tạo đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia… (iii) Cảnh cáo cơ sở đào tạo đấu thầu…

Ngoài ra, đối với những cơ sở đào tạo hiện đang được đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nếu muốn được tiếp tục đăng tải thông tin thì phải gửi hồ sơ cập nhật thông tin kèm theo 10 bộ đề kiểm tra trắc nghiệm, mỗi đề kiểm tra gồm 60 câu hỏi kèm theo đáp án về Bộ KH&ĐT để xem xét trước ngày 01/9/2016.

Nâng cao chất lượng giảng viên

TT03 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 và thay thế Thông tư số 10/2010/TT-BKH ngày 13/5/2010 của Bộ KH&ĐT quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu. Với những quy định phù hợp, khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu thời gian qua, TT03 sẽ góp phần chấn chỉnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu, nâng cao năng lực, kinh nghiệm của cán bộ làm công tác đấu thầu từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như tăng cường hiệu lực thực thi quy định của pháp luật đấu thầu.
Bên cạnh mục tiêu nâng cao chất lượng, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo thì nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên đấu thầu cũng là một trong những mục tiêu mà TT03 hướng tới. Giảng viên đấu thầu theo quy định tại TT03 trước tiên phải là người am hiểu quy định của pháp luật đấu thầu và pháp luật khác có liên quan như pháp luật về dân sự, hình sự, tài chính, thương mại…; am hiểu về hướng dẫn đấu thầu của các nhà tài trợ cũng như thông lệ quốc tế về đấu thầu. Ngoài ra, giảng viên đấu thầu cũng phải là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác đấu thầu, có khả năng trong việc xây dựng chương trình giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng học viên, có kỹ năng trong việc truyền tải thông tin đến học viên… Để trở thành giảng viên đấu thầu, cá nhân có nhu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu trong tất cả các lĩnh vực tư vấn, xây lắp, hàng hóa, phi tư vấn và phải hoàn thành khóa bồi dưỡng giảng viên đấu thầu do Bộ KH&ĐT tổ chức. Chế tài xử lý cho giảng viên đấu thầu vi phạm cũng đã được quy định cụ thể trong TT03.

Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu, TT03 cũng đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của Bộ KH&ĐT trong việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu và công khai thông tin về giảng viên đấu thầu, cơ sở đào tạo đấu thầu, cá nhân được cấp chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; xây dựng và ban hành giáo trình đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu bảo đảm có nội dung phù hợp với pháp luật trong nước, thông lệ quốc tế nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng toàn diện cho người làm công tác đấu thầu và các giảng viên đấu thầu…

TT03 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 và thay thế Thông tư số 10/2010/TT-BKH ngày 13/5/2010 của Bộ KH&ĐT quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu. Với những quy định phù hợp, khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu thời gian qua, TT03 sẽ góp phần chấn chỉnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu, nâng cao năng lực, kinh nghiệm của cán bộ làm công tác đấu thầu từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như tăng cường hiệu lực thực thi quy định của pháp luật đấu thầu.              

Chuyên đề