Tăng cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu thuốc

(BĐT) - Một trong những nội dung công việc mới của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao là thí điểm tổ chức đấu thầu tập trung thuốc lĩnh vực bảo hiểm y tế. Ông Phạm Lương Sơn – Phó Giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ về việc triển khai bước đầu công tác này.
Phần việc đấu thầu thuốc tập trung thí điểm do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã hoàn thành cho thấy giá thuốc giảm khoảng 20% so với kết quả đấu thầu năm 2017. Ảnh: Hoài Tâm
Phần việc đấu thầu thuốc tập trung thí điểm do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã hoàn thành cho thấy giá thuốc giảm khoảng 20% so với kết quả đấu thầu năm 2017. Ảnh: Hoài Tâm

Mặc dù việc thí điểm mới bắt đầu được triển khai, nhưng BHXH Việt Nam đã gặp phải phản ứng, kiến nghị của một số doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng đang có sự chồng chéo về chức năng với Bộ Y tế, cũng như có không ít lo ngại về trình độ chuyên môn của BHXH về đấu thầu thuốc và về thuốc... Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Vấn đề này cũng đã được BHXH Việt Nam thông tin đầy đủ đến các doanh nghiệp dược thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam về việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 59/NQ-CP trong cuộc gặp mặt doanh nghiệp dược đối thoại chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT).

Về băn khoăn cho rằng có sự chồng chéo về chức năng với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam khẳng định là không có sự chồng chéo. Ban Dược và Vật tư y tế thuộc BHXH Việt Nam là bộ phận chuyên môn về dược của Phòng Giám định BHYT thuộc BHXH các tỉnh, có chức năng nhiệm vụ rõ ràng để kiểm soát, giám định việc sử dụng và thanh toán thuốc khám chữa bệnh BHYT bảo đảm quyền lợi người bệnh BHYT theo Luật BHYT. Do đó, không có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ với công tác quản lý nhà nước và xây dựng chính sách của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và Phòng Quản lý dược (thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố).

Đối với lo ngại về trình độ, chuyên môn đấu thầu thuốc của cơ quan BHXH, BHXH Việt Nam khẳng định, đội ngũ cán bộ chuyên môn của BHXH có đủ điều kiện về pháp lý và yêu cầu chuyên môn tham gia quá trình đấu thầu thuốc. Cụ thể từ năm 2014, thực hiện theo Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và Thông tư số 11/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, cơ quan BHXH cử thành viên tham gia vào tất cả các Hội đồng đấu thầu thuốc của Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thành viên của các Hội đồng.

Theo đánh giá của Chính phủ, Quốc hội, các doanh nghiệp và nhân dân, cơ quan BHXH đã thực hiện tốt chức năng tham gia, giúp quá trình đấu thầu minh bạch hơn, chống khép kín, đảm bảo tính cạnh tranh, giá hợp lý, góp phần kéo giảm giá thuốc tại Việt Nam so với các năm trước 2013, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, bảo đảm quyền lợi của người dân tốt hơn. 

Tăng cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu thuốc ảnh 1
Ông Phạm Lương Sơn
Để việc thí điểm thành công, BHXH Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào về nhân sự, phương thức, tổ chức thực hiện...?

BHXH Việt Nam đã thực hiện đúng quy định về đấu thầu thuốc đối với đấu thầu tập trung tại Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Thông tư số 11/2017/TT-BYT và các hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời chủ động hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT xây dựng và tổng hợp nhu cầu thuốc làm căn cứ xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu; giao nhiệm vụ của đơn vị mua sắm tập trung cho Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc không phát sinh mới tổ chức và biên chế theo đúng yêu cầu của Chính phủ; mời thành viên của Bộ Y tế, Bộ Tài chính tham gia tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Việc tổ chức đấu thầu đã được Trung tâm thực hiện nghiêm túc có sự giám sát của Cục An ninh chính trị nội bộ (A83) thuộc Bộ Công an.

Ngày 11/10/2017, BHXH Việt Nam đã có Quyết định số 1801/QĐ-BHXH về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia đối với 05 hoạt chất (24 mặt hàng) do BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức thực hiện đấu thầu của 04 gói thầu, trong đó có 3 gói thầu mua thuốc generic thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia cho 3 khu vực Bắc, Trung, Nam và 1 gói thầu mua thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia), tổng giá trị là 1.192.636.675.600 đồng. Đã có 31 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.

Đến nay, các phần việc đấu thầu đã hoàn thành, kết quả hết sức khả quan, giá thuốc giảm khoảng 20% so với kết quả đấu thầu năm 2017, nếu tạm tính số lượng sử dụng của các thuốc này trong năm 2018 như năm 2017, thì chi phí tiết kiệm được khoảng trên 250 tỷ đồng. BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai kết quả đấu thầu tập trung thí điểm để thực hiện trong năm 2018, đồng thời chuẩn bị kế hoạch năm 2019 - 2020 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.  

Để tiếp tục phát huy kết quả thí điểm đã đạt được, BHXH Việt Nam đã đề nghị Bộ Y tế xem xét phê duyệt Danh mục thuốc đấu thầu tập trung thí điểm do BHXH Việt Nam thực hiện năm 2018 - 2019 để áp dụng kết quả cho các năm 2019 - 2020.

Chuyên đề