Soi sức khỏe nhà thầu xây dựng

(BĐT) - Nhiều năm trước Bộ Xây dựng từng sở hữu “đội quân” tinh nhuệ nhất trên lĩnh vực xây dựng, với những cái tên như Sông Đà, Lilama, Vinaconex, Licogi, Coma… ghi dấu ấn trên nhiều công trình bề thế trên khắp cả nước. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet

Thế nhưng, thời gian gần đây “sức khỏe” của đội quân này ngày càng “ốm yếu” và liệu họ có còn đủ sức để dẫn dắt cuộc chơi trên sân xây dựng hay không? 

Mạnh khỏe khi là nhà thầu

Một điểm chung của hầu hết các doanh nhiệp (DN) thuộc Bộ Xây dựng như Sông Đà, Lilama, Vinaconex, Licogi… đều là các DN đầu ngành, gần như không có đối thủ  trong nhiều năm liền tại lĩnh vực riêng của mình. Đơn cử, cho đến nay không một nhà thầu nào trong nước có thể vượt qua Sông Đà trong việc xây dựng các nhà máy thủy điện. Thị phần của Sông Đà trên lĩnh vực xây lắp thủy điện vẫn chiếm 85%, nhiều nhà máy thủy điện như Sơn La (công suất 2.400 MW) vượt tiến độ 3 năm, Lai Châu (công suất 1.200 MW) vượt tiến độ 1 năm. Trên lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện, Sông Đà sở hữu 22 nhà máy có tổng công suất 1.200 MW, điện lượng khoảng 5 tỷ KWh/năm.

Nếu Sông Đà là số 1 về thủy điện thì không ai có thể vượt qua Lilama về lắp máy. Hiện Lilama vẫn dẫn đầu ngành nghề truyền thống là lắp máy, chế tạo thiết bị. Dù phong độ của các đơn vị thuộc Lilama sau cổ phần hóa (CPH) không đều nhưng DN này vẫn sở hữu một số doanh nghiệp tiên phong như Lilama 18 tham gia “chuỗi sản xuất toàn cầu”, các đơn vị khác “nhì nhằng” kiếm tiền dù mảng đóng tàu và chế tạo thiết bị không còn là thế mạnh trong nước.

Tương tự, Vinaconex cũng là cái tên “làm mưa làm gió” trên lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp. Licogi dù không được như những doanh nghiệp khác nhưng vẫn có tiếng trong thi công hạ tầng. Coma với đặc thù ngành cơ khí xây dựng cũng góp mặt ở hàng loạt các dự án thủy điện, xi măng, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tòa nhà Quốc hội… 

“Ốm yếu” khi làm chủ đầu tư

Dù là những đơn vị số 1 khi làm nhà thầu nhưng hầu hết các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đều bị “yếu đi” khi làm chủ đầu tư. Riêng việc đầu tư xi măng khiến 3 đứa con cưng của ngành xây dựng là Sông Đà, Vinaconex và Lilama lao đao.

Công lao tích cóp bao năm đi làm thuê của Sông Đà đổ dồn vào Xi măng Hạ Long khi nắm giữ 59% cổ phần của công ty này. Với tổng mức đầu tư 6.486 tỷ đồng năm 2012, Sông Đà không còn khả năng trả nợ hộ cho Xi măng Hạ Long, chốt lỗ 1.211 tỷ đồng. Cuối năm 2016, khi Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam thay Sông Đà làm đại diện phần vốn nhà nước tại Xi măng Hạ Long, chốt lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Gần đây, Sông Đà được Chính phủ phê duyệt phương án CPH (tháng 6/2017) với vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ 51%. Tuy nhiên, doanh thu của Sông Đà sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2016 khi tổng doanh thu là 9.970 tỷ đồng, bằng 58% doanh thu của năm 2015 là 17.170 tỷ đồng. Yếu về tài chính nhưng bù lại Sông Đà vẫn sở hữu đội quân số 1 Việt Nam về thi công các dự án có độ khó cao như thủy điện, đường hầm… cùng với trụ sở rất nhiều đơn vị thành viên có vị trí “đất vàng”.

Không riêng gì Sông Đà, Vinaconex cũng “ngập” trong Dự án Xi măng Cẩm Phả với số nợ 1.600 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2012. Dù được Viettel “giải cứu” khỏi Xi măng Cẩm Phả vào năm 2013 nhưng đối với mảng xây dựng dân dụng, đô thị thì Vinaconex đã nhường chỗ cho hàng loạt cái tên khác như Coteccons, Hòa Bình, Unicons chiếm chỗ. Sau 9 năm niêm yết trên sàn chứng khoán, đến nay vốn nhà nước tại Vinaconex vẫn chưa xác định được do để “lọt” khu “đất vàng” tại 47 Điện Biên Phủ, Quận 1, TP.HCM.

May mắn hơn Sông Đà và Vinaconex, Lilama đã nhanh chân rút khỏi Dự án Xi măng Đô Lương và bán gọn cổ phần tại Xi măng Thăng Long cho Geleximco. Thoát hiểm sau khi từ giã vai trò chủ đầu tư, Lilama củng cố nội lực và chuyên tâm vào vai trò nhà thầu. Với Licogi, sau khi đồng thời làm chủ đầu tư và tổng thầu xây lắp một số công trình thủy điện thì đến cuối năm 2016 đơn vị này lỗ đến 293 tỷ đồng trong khi doanh thu chỉ vẻn vẹn 498 tỷ đồng. Trước đó, Licogi “trầy trật” mới CPH xong vào cuối năm 2015 thì 2016 đã rơi vào tình trạng lỗ đau lỗ đớn. Coma cũng rơi vào tình trạng tương tự khi doanh thu năm 2016 ghi nhận 475 tỷ đồng. Sở hữu nhiều vị trí “đất vàng” lại thi công nhiều công trình lớn nhưng khi CPH chỉ 1% cổ phần chào bán của Coma được đăng ký mua. Có lẽ Coma chỉ còn mỗi cái tên khi “miếng ngon” đã được chia hết.

Sức khỏe các ông lớn ngành xây dựng đang dần “ốm yếu”, CPH là phương án giúp các DN này “hồi phục” trở lại. Song, thực tế từ các đơn vị đã thực hiện CPH cho thấy việc “trở lại để lợi hại hơn xưa” chỉ là giấc mơ.               

Chuyên đề