Soi kết quả đấu thầu của các “ông lớn”: Giàu kinh nghiệm, đủ năng lực vẫn vướng

(BĐT) - Báo cáo kết quả đấu thầu năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều khẳng định, đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu giàu kinh nghiệm, thường xuyên được nâng cao nghiệp vụ; nhà thầu được lựa chọn có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gói thầu, dự án vẫn còn nhiều vướng mắc, sai sót và những điều không như ý… 
Dù thường xuyên quán triệt cán bộ thực hiện nghiêm quy định về đấu thầu, nhưng năm 2015, Viettel chưa đăng tải đầy đủ kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ảnh: VT
Dù thường xuyên quán triệt cán bộ thực hiện nghiêm quy định về đấu thầu, nhưng năm 2015, Viettel chưa đăng tải đầy đủ kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ảnh: VT

Giàu kinh nghiệm, đủ năng lực

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động đấu thầu của Tổng công ty đều được tập huấn các lớp quản lý đấu thầu, đáp ứng về trình độ chuyên môn.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng khẳng định, tổng số cán bộ tham gia hoạt động đấu thầu tại các đơn vị trực thuộc là 870 người, tất cả đều có chứng chỉ tham gia khóa học về đấu thầu và thường xuyên học tập, nâng cao trình độ cũng như cập nhật các quy định mới.

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho biết, năm 2015, Tập đoàn đã thực hiện các cuộc khảo sát đánh giá về tình hình năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia dự án đầu tư nói chung và đấu thầu nói riêng thông qua hình thức báo cáo, kiểm tra, tập huấn nghiệp vụ. Qua đó, tập đoàn này nhận định, nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng yêu cầu được đề ra.

Còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng khẳng định, đội ngũ cán bộ tham gia công tác đấu thầu của Tập đoàn có năng lực và chuyên môn cao. EVN luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ đấu thầu của các cán bộ công nhân viên; tổ chức các buổi hội thảo phổ biến, cập nhật quy định mới; tập huấn nâng cao, tập trung sâu về quản lý hợp đồng để nâng cao hiệu quả quản lý đấu thầu.

Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) khẳng định, các phòng ban, bộ phận có liên quan trực tiếp đến đấu thầu thường xuyên tổ chức nghiên cứu, quán triệt thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn về đấu thầu. Hàng quý, Tập đoàn đều tổ chức các buổi tập huấn nội bộ về nghiệp vụ đấu thầu.

Đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu, báo cáo của VNPT cũng cho biết, các nhà thầu được các đơn vị thành viên của VNPT lựa chọn đảm bảo năng lực, kinh nghiệm theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; tiến độ thực hiện các gói thầu tư vấn, phi tư vấn và mua sắm hàng hóa nhìn chung đảm bảo kế hoạch tiến độ theo hợp đồng.

Đây cũng là điểm chung trong kết quả đánh giá của nhiều tập đoàn, tổng công ty về năng lực của nhà thầu trúng thầu như Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam...

Còn Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy khẳng định, các nhà thầu trúng thầu của tổng công ty này đều là những đơn vị có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực mình thực hiện, nhìn chung các gói thầu thi công đều đảm bảo chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ đề ra. 

Còn khó khăn, vướng mắc

Dù hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đều khẳng định cán bộ đủ năng lực, giàu kinh nghiệm và nhà thầu có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đề ra, song thực tế công tác đấu thầu vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Vậy, các “ông lớn” này nói gì về những khó khăn, vướng mắc?

Tổng công ty Lương thực miền Nam cho biết, việc đánh giá năng lực nhà thầu hiện tại chủ yếu dựa vào hồ sơ năng lực do nhà thầu cung cấp, nên hầu hết các nhà thầu đều đạt năng lực so với hồ sơ mời thầu nhưng đến khi triển khai thì có một số nhà thầu chưa đảm bảo năng lực tài chính, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và tiến độ thực hiện dự án.

Còn VICEM cho biết, nhà thầu trúng thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu nhưng công tác hỗ trợ, bồi thường đền bù giải phóng mặt bằng đôi khi còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án. Theo VICEM, việc chấp hành các quy định về thời gian trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhất là thời gian đánh giá hồ sơ đối với một số gói thầu có trường hợp còn vượt quá thời gian, có thể do thời gian thương thảo kéo dài.

Viettel cũng cho biết, năm 2015, phần kế hoạch đấu thầu của tập đoàn này chưa được đăng tải đầy đủ do kế hoạch thường được lập trong thời gian ngắn, cần triển khai gấp.

Còn theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, do hệ thống văn bản pháp quy được ban hành liên tục và có thay đổi, kèm với các dự án của Tập đoàn đa phần là dự án nông nghiệp nên các cá nhân đã được tập huấn và bồi dưỡng có nhiều vướng mắc cũng như sai sót trong quá trình tổ chức đấu thầu.

VNPT cũng cho biết, năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thầu ở một số đơn vị của VNPT vẫn còn hạn chế khi triển khai cùng lúc nhiều gói thầu hoặc những gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp cũng như hạn chế trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng.

Chuyên đề