Quyết tâm đẩy mạnh đấu thầu qua mạng

(BĐT) - Có một sự thay đổi ấn tượng về mặt tư duy và kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng (ĐTQM) trong thời gian gần đây. Quyết tâm chính trị đẩy mạnh ĐTQM để tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng đang được hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ.
Trong quý I năm 2017, trung bình mỗi tuần có 150 gói thầu được áp dụng đấu thầu qua mạng. Ảnh: Lê Tiên
Trong quý I năm 2017, trung bình mỗi tuần có 150 gói thầu được áp dụng đấu thầu qua mạng. Ảnh: Lê Tiên

Bước tiến vượt bậc

Theo Cục Quản lý đấu thầu (QLĐT) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện nay được phát triển dựa trên Hệ thống đấu thầu điện tử thử nghiệm tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn, được Bộ KH&ĐT tiến hành xây dựng từ năm 2009, với sự trợ giúp của Chính phủ Hàn Quốc. Từ năm 2009 đến năm 2015, việc thí điểm ĐTQM được triển khai tại UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số cơ quan khác.

Thống kê người dùng đã đăng ký và được phê duyệt trên Hệ thống cho thấy, hiện đã có khoảng 59.000 người dùng là bên mời thầu, nhà thầu. Bên cạnh đó, mỗi ngày, có hàng trăm kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT), thông báo mời thầu (TBMT) được đăng tải trên Hệ thống.

Những con số trên nói lên sự thay đổi cực kỳ ấn tượng và là bước tiến vượt bậc trong việc đẩy mạnh triển khai ĐTQM. Bởi trong 3 năm đầu triển khai thí điểm, từ năm 2009 đến năm 2012, chỉ có 55 gói thầu được triển khai theo hình thức ĐTQM. Số lượng người dùng đăng ký trên Hệ thống là hơn 3.500 bên mời thầu và hơn 1.000 nhà thầu...

Nhìn nhận về sự thay đổi này, ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục QLĐT, người gắn bó với công tác ĐTQM từ những ngày đầu triển khai thí điểm khẳng định, đã có sự thay đổi lớn về tư duy, nhận thức và thực tiễn triển khai ĐTQM. Nếu như vào năm 2012, cả năm chỉ có khoảng 55 gói thầu được áp dụng ĐTQM thì trong quý I năm 2017, trung bình mỗi tuần con số tương ứng đã lên tới 150 gói thầu. 

Đi từ chính sách

Quyết tâm chính trị nhằm đẩy mạnh ĐTQM đã được thể hiện qua các văn bản chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ và được các cấp, các ngành, địa phương hưởng ứng trong thời gian qua.

Theo đó, tổ chức thực hiện đấu thầu, mua sắm công qua mạng là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, được đề cập tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Từ ngày 01/01/2016, ĐTQM được triển khai chính thức trên phạm vi toàn quốc trên cơ sở quy định tại Luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC (TT07).

Để đẩy mạnh việc áp dụng ĐTQM, ngày 13/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1402/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng ĐTQM giai đoạn 2016 - 2025 (QĐ1402). Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT đã có Quyết định số 1248/QĐ-BKHĐT thành lập Trung tâm ĐTQM quốc gia trực thuộc Cục QLĐT nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống.

Thực hiện QĐ1402 và căn cứ hướng dẫn tại TT07, thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực ban hành các văn bản hướng dẫn, đốc thúc triển khai ĐTQM. Đơn cử, Bộ Tài chính đã có Công văn số 18649/BTC-HCSN ngày 28/12/2016 đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đẩy mạnh mua sắm qua mạng đối với tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên.

Cùng với việc trình ban hành QĐ1402, trong năm 2016, việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ĐTQM đã được Bộ KH&ĐT chú trọng. Trong năm 2017 này, Cục trưởng Cục QLĐT Nguyễn Đăng Trương cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng, trình ban hành các mẫu áp dụng cho ĐTQM để đẩy mạnh hoạt động đấu thầu điện tử, qua đó tăng cường hiệu quả, công khai, minh bạch và đẩy nhanh thời gian trong đấu thầu.

Ông Trương nhấn mạnh, xu hướng trong công tác đấu thầu ở Việt Nam cũng như trên thế giới là phải tăng cường mạnh mẽ tính công khai, minh bạch và cạnh tranh để tăng hiệu quả trong công tác đấu thầu. Vì vậy, các chủ đầu tư, doanh nghiệp, nhà thầu cần phải nắm chắc xu hướng này để đào tạo cán bộ chuyên môn, chuyên nghiệp và lưu ý đào tạo cán bộ để thực hiện được đấu thầu điện tử một cách bài bản, thành thạo.

Nhấn mạnh yêu cầu công khai minh bạch thông qua ĐTQM, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ KH&ĐT gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ chi tiêu công, mua sắm công, đảm bảo bình đẳng, công khai trong đấu thầu; nghiên cứu hình thức mua sắm công, đấu thầu quốc gia qua mạng để góp phần tăng cường công khai, minh bạch.

Chuyên đề